Tây Đô không chỉ độc đáo ở kiến trúc kinh thành đá lớn kỳ vĩ, cổ kính mà còn là một di sản sống. Những ngôi nhà cổ dân gian, lễ hội, phong tục tập quán, tín ngưỡng, nghề thủ công và nhiều giá trị truyền thống khác còn hiện hữu phong phú và sinh động trong đời sống của cư dân vùng đất cố cung.
Qua nhiều biến cố lịch sử, thích ứng với điều kiện địa lý, môi trường thiên nhiên, người dân nơi đây đã xây dựng nên tính cách và bản sắc văn hóa riêng của mình. Đến hôm nay, đồng thời với tiếp thu cái mới, những giá trị văn hóa đó vẫn còn được bảo lưu và gìn giữ cả về diện mạo lẫn cốt cách bên trong.
Hát trống quân là hình thức hát dân ca giao duyên, đối đáp trai gái, nhân dân địa phương thường gọi là hát “ ghẹo”, là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, có từ rất lâu đời và đã trở thành một món ăn tinh thần phổ biến của bao lớp thế hệ người dân vùng Tây Đô.
Vào những dịp nhàn rỗi sau vụ mùa thu hoạch, bà con nông dân thường tổ chức hát trống quân ở trong làng. Các đám hát chọn những địa điểm rộng rãi, thuận lợi như bãi đất trống dưới bóng cây đa đầu làng, hay sân đình, sân chùa... Những đêm trăng sáng, trong làng có thể tổ chức nhiều đám hát cùng lúc. Đám trai các làng lân cận có thể đến tham gia.
Bà Trịnh Thị Ngơ, nay đã ngoài 90 tuổi, sống tại làng Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến - là nghệ nhân hát trống quân nổi tiếng một thời. Cụ "mê" hát trống quân từ khi mới mười hai, mười ba tuổi. Lớn lên cái "nghiệp hát" theo bà đi khắp làng trên xóm dưới. Nay lưng bà đã còng, mắt không còn tinh, làn da nhăn nheo theo năm tháng, nhưng vẫn hằn in trong tâm khảm bà, như mới ngày hôm qua, những lời trống quân vẫn được thể hiện bằng một chất giọng tha thiết và đầy đam mê - cái giọng của một thời mà theo bà đã làm đắm say biết bao nhiêu đám trai làng.
Hát trống quân là hình thức hát dân ca giao duyên, đối đáp trai gái |
Trong những đêm trăng tháng tám tròn sáng vằng vặc, các cô thôn nữ tuổi tròn mười tám đôi mươi, bàn tay thoăn thoắt bên chiếc xa quay kéo sợi, vừa thiết tha với những điệu trống quân lúc trầm, lúc bổng vang vẳng trong không gian. Cánh trai làng bên tập trung kín cổng sân đình thỏa sức thể hiện tài ứng đối của mình, để rồi có thể qua đó, những mong tìm được ý trung nhân của mình.
Lúc nhàn rỗi, trai gái trong làng rủ nhau đi gặt lúa, làm thuê cho các làng bên. Tối đến, khi công việc xong xuôi, họ lại tổ chức hát giao lưu với đám trai gái trong làng. Hai bên trai thanh, gái tú hát đối nhau qua khung cửa, không thấy mặt người, chỉ biết nhau qua tiếng hát, thế mà say hát đến khuya mới về.
Hát trống quân rất phổ biến trong đời sống của người dân vùng Tây Đô xưa, gần như làng nào cũng có đám hát, trong đó, phải kể đến những làng có đám hát nổi tiếng như: làng Xuân Giai (xã Vĩnh Tiến), làng Bèo (xã Vĩnh Long), làng Quan Hoàng (xã Vĩnh Long)...
Trong những dịp làng có lễ hội, các làng kết chạ thường tổ chức những đội hát trống quân đến hát thi với nhau. Những làn điệu trống quân, đã trở thành phương tiện vô hình nhưng hữu hiệu để gắn kết tình cảm cộng đồng làng xã.
Trống được sử dụng trong hát trống quân thường là trống đất, không cần cầu kỳ, trước khi hát, người ta đào một chiếc hố hình cái trống có đường kính 50cm, độ sâu 80 cm. Trên mặt hố đặt một tấm gỗ bịt miệng làm mặt trống (hoặc bằng mo cau khô). Hai đầu hố đóng hai cọc để cột dây đàn. Tiếp theo chọn những thân cây mây (hoặc dây kim tiền thảo) có độ dài 2 - 3m dùng để cố định hai đầu cọc. Dùng một miếng gỗ hình chữ T chống lên miếng gỗ đặt mặt hố, một đầu dựng lên để căng dây. Khi hát người ta gõ vào đầu dây ở phía cọc, dây bật vào tấm gỗ mà kêu thành tiếng. Khi đối đáp, bên nào hát dứt câu thì đánh vào trống để làm nhịp lưu không, vừa để thúc giục phe bên kia hát đáp lại vừa để cho đối phương có thời gian suy nghĩ.
Làn điệu của trống quân khá đơn giản, niêm luật cũng không khắt khe như hát quan họ, được thể hiện trên thơ lục bát. Chủ đề của lời hát trống quân không bị giới hạn, mà nó bao trùm nhiều khía cạnh, nhiều lĩnh vực trong đời sống và phụ thuộc vào tài ứng tác, bẻ vần của người hát. Tuy nhiên, tình yêu vẫn là chủ đề nổi bật nhất trong hát trống quân. Bên cạnh tình yêu, nội dung lời ca còn đề cập đến những chủ đề ca ngợi thiên nhiên, đất nước cũng như cuộc sống lao động của con người, thể hiện tâm tư, tình cảm của người dân lao động. Qua lời hát đó, bao nỗi nhọc nhằn vất vả của cuộc sống được vơi đi, nhiều tình yêu đẹp đã nảy nở và đơm hoa kết trái:
Ới anh đi đường Cái Quan
Dừng chân đứng lại em than đôi lời
Em than cái chuyện đang trưa
Em cấy ruộng dưới em bừa ruộng trên
Em cất một tiếng hát lên
Để anh chết mệt ở bên cái bừa.
Hay
Bây giờ em gặp anh đây
Miền Đông muốn hỏi miền Tây mấy lời
Rằng trong tác hợp duyên trời
Đôi ta kỳ ngộ mấy lời tâm giao.[
Ở một cung bậc cao hơn, tình yêu lứa đôi đã chuyển hóa thành tình yêu quê hương, làng xóm, được thể hiện qua lối hát đối đáp giữa nam và nữ, với những làn điệu vừa mộc mạc, chất phác nhưng cũng rất đổi tha thiết, yêu thương.
Nữ xướng:
Ở đâu trên chợ dưới sông
Thuyền bè buôn bán chở cồng vào ra
Ở đâu có đường Cái hoa
Ở đâu có miếu mà ba tổng thờ
Ở đâu có thành kinh đô
Ở đâu mà có một hồ cây sen
Hoa lấy làm chè Hương Liên
Để cho du khách mang tiền đến mua
Ở đâu lắm gái thanh tân
Ở đâu lắm kẻ xa gần vãng lai
Ở đâu lắm gái nữ hài
Ở đâu lắm kẻ tài trai anh hùng
Ở đâu trên đền dưới sông
Vua ban bốn chữ sắc rồng sơn son.
Nam đáp:
Làng Giáng trên chợ dưới sông
Thuyền bè buôn bán chở cồng vào ra
Xuân Giai có đường Cái hoa
Phương Giai có miếu mà ba tổng thờ
Tây Giai có thành kinh đô
Mỹ Xuyên làng có một hồ cây sen
Phù Lưu lắm gái thanh tân
Quan Hoàng lắm kẻ xa gần vãng lai
Phú Lĩnh lắm gái nữ hài
Thổ Phụ lắm kẻ tài trai anh hùng
Phú Lĩnh trên đình dưới sông
Vua ban bốn chữ sắc rồng sơn son.
Sau Cách mạng tháng 8/1945, niềm lạc quan, tin tưởng vào sự đổi thay của cách mạng, của chế độ mới được thể hiện rõ trong từng câu hát:
Nữ xướng: Gặp anh em hỏi mấy lời
Anh ơi! Có biết cuộc đời ra sao?
Chủ nghĩa cộng sản thế nao?
Nhờ anh phân giải thấp cao em tường
Cớ sao khắp giới Đông Dương
Công nông liên tiếp tự cường đứng lên.
Nam đáp:
Em hỏi thì anh trả lời
Em ơi có biết cuộc đời cho không
Chủ nghĩa cộng sản đại đồng
Làm cho thiên hạ thoát vòng ngựa trâu
Kết đoàn tranh đấu cùng nhau
Dù nghèo, dù khổ cơ cầu sự sinh.
Kết thúc cuộc hát, trước khi giã bạn, các chàng trai cô gái thường hát những lời gửi gắm, thề nguyền hẹn ước:
Trăm năm ghi tạc đá vàng
Lòng anh đã quyết lấy nàng nàng ơi
Dù đi góc bể chân trời
Yêu nhau giữ lấy những lời vàng son
Dù cho sông cạn đá mòn
Con tằm lên thác vẫn còn vương tơ.
Hát trống quân là một di sản văn hóa quý báu của người dân Tây Đô, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, hiện nay di sản này đang có nguy cơ bị mai một. Những người biết thực hành loại hình nghệ thuật này đều ở độ tuổi trên 80. Để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong khu vực di sản, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã tổ chức nhiều đợt khảo sát nghiên cứu và sưu tầm, biên tập hàng ngàn lời hát trống quân. Tuy nhiên, về lâu dài, để bảo tồn và phát huy hiệu quả loại hình nghệ thuật này, cần có những kế hoạch cụ thể và kịp thời từ các cấp các ngành, mà trước hết là trách nhiệm của chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý văn hóa và nhân dân địa phương cùng phối hợp tái hiện loại hình diễn xướng này./.
Theo Nguyễn Văn Long (Trung tâm Bảo tồn DS TNH)