Hồ sơ hát Xoan vừa được gửi tới Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể để xem xét, xác nhận Hát Xoan là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Phú Thọ, sau khi đệ trình hồ sơ đề nghị UNESCO đưa hát Xoan ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp, đa số các quốc gia thành viên của Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã đánh giá cao quá trình bảo tồn di sản và ủng hộ Việt Nam chuyển thẳng Hát Xoan Phú Thọ sang danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hát Xoan sẽ trở thành di sản văn hóa phi vật thể năm 2017? |
Ngay sau khi có ý kiến của UNESCO về việc xây dựng hồ sơ đưa Hát Xoan vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, UBND tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) và một số đơn vị liên quan triển khai xây dựng hồ sơ đề cử. Hồ sơ được thảo luận và lấy ý kiến của nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau như: Cục Di sản Văn hóa, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và một số sở, ngành tại địa phương. Trong đó, Hồ sơ trình UNESCO công nhận hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được chuẩn bị công phu từ phóng sự giới thiệu về di sản đến các ảnh và nội dung hồ sơ, thông tin đầy đủ của các tổ chức, cộng đồng liên quan đến di sản, kết cấu hồ sơ đảm bảo theo quy định của UNESCO.
Theo TS Lê Thị Minh Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa - (người trực tiếp cùng với tỉnh Phú Thọ tham gia xây dựng báo cáo hồ sơ Hát Xoan) đề nghị tổ chức UNESCO đưa Hát Xoan ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bà cho biết Đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp Hát Xoan Phú Thọ giai đoạn 2013 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được Phú Thọ làm rất tốt. Chú trọng tới nghệ nhân là việc cực kỳ bức thiết trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
"Cho tới thời điểm này, các nghệ nhân hiện nay đã truyền dạy liên tục; đồng thời cung cấp tài liệu truyền dạy cho các câu lạc bộ, nhóm công chúng đang tham gia thực hành và thưởng thức Xoan để đảm bảo bài bản và nghệ thuật múa, hát Xoan giữ được giá trị di sản. Không chỉ vậy, việc tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng 4 phường Xoan tham gia bằng việc gắn kết, sử dụng nguồn đầu tư từ các chương trình văn hóa cơ sở hoặc xã hội hóa và sẽ thiết lập quỹ bảo tồn hát Xoan, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp xây dựng quỹ…
Hát Xoan đã có những tín hiệu vui, nếu năm 2010 chỉ có khoảng 13 câu lạc bộ của những người yêu thích Xoan với tổng số 298 thành viên thì đến năm 2015, ở Phú Thọ đã có hơn 30 câu lạc bộ Xoan với 1.103 thành viên. Từ chỗ chỉ còn 7 nghệ nhân cao niên có thể diễn xướng, truyền dạy Xoan cổ thì nay Hát Xoan đã có lực lượng nghệ nhân kế cận đông đảo với 62 người có thể diễn xướng và truyền dạy các làn điệu Xoan cổ…", TS Lê Thị Minh Lý cho biết
Theo ông Hà Kế San – Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cả 4 phường Xoan gốc và một số câu lạc bộ hát Xoan đã gửi văn bản cam kết và bày tỏ nguyện vọng được đề cử di sản hát Xoan vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. “Với những nét độc đáo riêng có vùng đất Tổ, hát Xoan Phú Thọ xứng đáng trở thành di sản văn hóa phi vật đại diện của nhân loại”- ông San nhấn mạnh.
T.Lê