Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang đã xác định phát triển bền vững theo hướng công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh, du lịch chất lượng là 4 lĩnh vực đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng nguồn thu ngân sách địa phương và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo với quan điểm “Nhất tâm, nhị tuyến, tam thành, tứ trụ, ngũ trọng tâm”, theo đó:
Nhất tâm là phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm phát triển về công nghiệp và đô thị của tỉnh trong trung và dài hạn; Nhị tuyến là tập trung khai thác phát triển theo 2 tuyến động lực là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với thành phố Hồ Chí Minh và tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam sông Hậu; Tam thành là ưu tiên phát triển nâng tầm các trung tâm đô thị thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ; Tứ trụ là phát triển 4 trụ cột gồm công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch (theo Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26-11-2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo); Ngũ trọng tâm là hoàn thiện thể chế, chích sách; phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ các lĩnh vực; cải cách hành chính - ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; hoàn thiện hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và công nghiệp; phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Trong giai đoạn 2021 - 2030, Hậu Giang sẽ quy hoạch phát triển 8 khu công nghiệp, với tổng diện tích 2.233ha. Nhiệm vụ đặt ra là tập trung đầu tư hạ tầng khu công nghiệp; Xây dựng khu công nghiệp với hạ tầng đồng bộ, khu công nghiệp xanh đảm bảo môi trường, tạo ra giá trị bền vững, tăng thu cho ngân sách, tạo việc làm cho người lao động nông thôn tại địa phương; Quy hoạch được phân ra 2 giai đoạn. Giai đoạn từ 2021 - 2025 tiến hành quy hoạch 4 khu công nghiệp, với diện tích 784ha; xây dựng khu dân cư, khu tái định cư, khu dân cư thương mại và khu nhà xã hội; tạo ra sự phát triển đồng bộ. Giai đoạn 2 quy hoạch 4 khu công nghiệp, với diện tích còn lại trong 1.449ha.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, Đồng Văn Thanh, để các khu công nghiệp thật sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, nhất là giải quyết nguồn lực lao động nông thôn di cư, tỉnh Hậu Giang đặc biệt chú trọng phát triển hệ thống các khu công nghiệp theo hướng liên hoàn, đồng bộ về cơ chế chính sách, hạn chế tình trạng hình thành các cụm công nghiệp nhỏ lẻ gây lãng phí, thiếu các công trình phụ trợ gây ô nhiễm môi trường.
Thời gian qua, Hậu Giang đã tích cực huy động nguồn lực tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt ưu tiên cho các ngành công nghiệp mũi nhọn, tạo ra giá trị tăng cao, theo hướng lấy phát triển công nghiệp làm bệ đỡ cho nông nghiệp phát triển.
Để thu hút được nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp hiện hữu và tương lai, ngoài việc tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, thì tỉnh cũng cam kết thực hiện tốt phương châm “2 nhanh” và “3 tốt”, đó là “nhanh giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư” và “Cơ hội tốt, chính sách tốt, hạ tầng tốt”.
Cửu Long