Tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188 km đi qua 4 tỉnh An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng là 1 trong 6 tuyến cao tốc trọng điểm được ưu tiên triển khai tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nâng tổng chiều dài km đường bộ cao tốc trong vùng lên khoảng 1.166 km đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.
Dự án được chia làm 4 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 3 có chiều dài 37km, vốn đầu tư hơn 9.600 tỷ đồng, do tỉnh Hậu Giang là cơ quan chủ quản, Sở GTVT làm chủ đầu tư.
Tại Hậu Giang, dự án qua địa bàn 8 xã, thị trấn thuộc huyện Châu Thành A và Phụng Hiệp với hơn 1.100 hộ dân bị ảnh hưởng, tổng diện tích đất phải thu hồi hơn 260ha.
Xác định đây là dự án trọng điểm quốc gia có diện tích đất phải thu hồi và khối lượng công việc rất lớn, thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã tích cực triển khai công tác GPMB, chuẩn bị sẵn sàng cho sự kiện khởi công vào ngày 17/6.
Ông Mai Văn Tân, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hậu Giang cho biết, đến nay Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh đã chi trả bồi thường cho 764 hộ dân với số tiền hơn 515 tỷ đồng và đang tiếp tục chi trả cho các hộ còn lại trong các ngày tới.
Đồng thời, bàn giao hơn 202/260ha diện tích mặt bằng phải thu hồi, đạt hơn 77%, hoàn thành sớm hơn và vượt khối lượng theo Nghị quyết số 91 của Chính phủ.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh, nhấn mạnh, cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là dự án quan trọng quốc gia, có ý nghĩa lớn trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Không chỉ vậy, đây còn là động lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững của cả khu vực ĐBSCL.
Dự án kết nối các tỉnh Nam sông Hậu với trục cao tốc Bắc – Nam tạo thành mạng lưới đường bộ cao tốc liên hoàn, sẽ là trục động lực kinh tế kết nối các cửa khẩu phía Tây Nam, đưa hàng hóa các tỉnh trong khu vực xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài thông qua cảng biển Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) sắp tới.
Đồng thời, đây còn là trục giao thông kết nối, tạo liên kết vùng, tạo trục hành lang kinh tế nhằm phát huy sức mạnh của địa phương, tăng chuỗi giá trị, tạo điều kiện phát triển kinh tế nhanh và bền vững trong khu vực nói chung và của tỉnh Hậu Giang nói riêng.
Dự án cũng góp phần sớm hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đó là xây dựng hoàn thành 5.000km đường cao tốc.
Trong đó "2 tuyến" là tập trung khai thác phát triển theo 2 tuyến động lực là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với TP.HCM và tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam sông Hậu để phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch của tỉnh
“Đối với Hậu Giang, việc khởi công dự án thành phần 3 được xác định để lập thành tích chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh, mở ra kỳ vọng to lớn, đánh dấu bước ngoặc lớn trong việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh. Từ đó, tạo động lực rất lớn cho Hậu Giang phát triển theo đúng định hướng Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là “1 tâm, 2 tuyến, 3 thành, 4 trụ, 5 nhiệm vụ trọng tâm”, ông Đồng Văn Thanh nhấn mạnh.
Theo UBND tỉnh Hậu Giang, việc khởi công dự án cho thấy rằng Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT rất quyết tâm để đầu tư tập trung những dự án lớn, có trọng tâm, trọng điểm, làm nền tảng để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng nằm trong mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 và là 1 trong những dự án được Bộ GTVT xác định ưu tiên đầu tư.
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tổng chiều dài khoảng hơn 189km, đi qua 4 tỉnh, thành.
Dự án thành phần 1 thuộc tỉnh An Giang dài 57km, tổng vốn 13.403 tỷ đồng; thành phần 2 qua Cần Thơ hơn 37km, tổng mức đầu tư khoảng 9.800 tỷ đồng; thành phần 3 qua Hậu Giang có chiều dài khoảng 37km, tổng vốn hơn 9.600 tỷ đồng và thành phần 4 qua Sóc Trăng dài 58,37km, tổng vốn hơn 11.960 tỷ đồng.
Dự kiến, dự án sẽ được hoàn thành cơ bản toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2027. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án được đầu tư với quy mô 6 làn xe cao tốc, mặt cắt ngang 32,25m.
Cửu Long