Chiều 13/10, Bộ Công Thương đã phát đi thông tin cuộc họp giữa lãnh đạo Bộ với các doanh nghiệp xăng dầu diễn ra trước đó một ngày.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho biết: Do lỗ triền miên, tâm lý của doanh nghiệp đảm bảo nguồn ở mức chỉ đủ cho hệ thống phân phối, những đại lý, thương nhân nhượng quyền, tổng đại lý có cam kết mang tính chất có hợp đồng chặt chẽ. Đâu đó, cục bộ ở những cửa hàng có hợp đồng lỏng lẻo thì khan hàng.
Đại diện doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, bà Trần Thị Tuyết Mai - Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà - chia sẻ, thực sự nguồn cung xăng dầu không thiếu mà do doanh nghiệp đang lỗ lớn do chi phí thực tăng cao nên không thể nhập khẩu về được. Bà đề nghị liên Bộ Công Thương - Tài chính, Chính phủ, Thủ tướng xem xét, cân đối lại, chấp nhận các chi phí thực tế mà doanh nghiệp bỏ ra. Bởi công thức tính giá đã được quy định từ năm 2014 và đang biến động rất lớn.
“Hai nhà máy Nghi Sơn và Bình Sơn đang cung cấp 70-80% lượng xăng dầu cho thị trường trong nước và 20% còn lại là nhập khẩu. Ngoài ra, do rủi ro bất khả kháng từ các nhà máy dẫn đến có thời điểm thị trường thiếu cục bộ khoảng 30-40%, buộc phải nhập khẩu. Nhưng chi phí nhập khẩu đang tăng cao. Đơn cử, quý I/2022, chi phí là 306 đồng/lít, quý II là 450 đồng/lít; quý III là 967 đồng/lít, tức là bình quân doanh nghiệp đang lỗ 667 đồng/lít. Sang quý IV, doanh nghiệp lỗ 1.100 đồng/lít", bà Trần Thị Tuyết Mai nêu con số chi tiết.
"Khoản lỗ này ai gánh cho doanh nghiệp?” - bà Mai băn khoăn.
Cũng nói về việc thua lỗ, ông Phạm Văn Thoại, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc nhà máy lọc dầu Cát Lái - Saigon Petro, chia sẻ: “Từ đầu năm đến quý II, nhờ giá tăng nên doanh nghiệp có lãi. Nhưng quý III vừa rồi, đặc biệt là giai đoạn tháng 7, tháng 8, doanh nghiệp nào cũng lỗ mà không dám nói, vẫn phải thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thành ủy là dù thế nào cũng phải đảm bảo được nguồn hàng. Lãi của chúng tôi trong 6 tháng đầu năm không đủ bù lỗ trong hai tháng vừa rồi, song vì trách nhiệm nên vẫn phải thực hiện nhiệm vụ của đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Nhưng đến tháng 10, doanh nghiệp không thể nhập khẩu được nữa, mà chỉ dám 'cắn răng' nhập khẩu một chuyến từ nước ngoài về để đáp ứng nhu cầu trong nước, thêm lượng hàng nhập từ Bình Sơn và Nghi Sơn để bán”.
Đại diện Saigon Petro đề xuất, cần phải tính đúng, tính đủ chi phí cho doanh nghiệp. Mặc dù vừa rồi, Liên bộ Tài chính - Công Thương đã đồng ý tăng chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước, nhưng doanh nghiệp đã lỗ quá nặng, rất khó khăn cho việc vay vốn ngân hàng. Sài Gòn Petro phải rút tiền vốn của mình ra để đáp ứng được việc mua hàng.
“Hiện nay ở các cây xăng có tình trạng có cây xăng đổ được, có cây xăng không thể đổ được. Câu chuyện này sớm muộn cũng phải xảy ra, không phải do doanh nghiệp mà là do thị trường. Do đó, liên Bộ cần hỗ trợ doanh nghiệp để làm sao tính đúng tính đủ mặt bằng chi phí để doanh nghiệp sống được" - ông Phạm Văn Thoại đề xuất.
Là một trong 7 doanh nghiệp bị tạm giữ giấy phép trong 45 ngày, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Công ty Xuyên Việt OIL, chia sẻ, sau 45 ngày tạm giữ giấy phép, việc đứt gãy nguồn cung cục bộ sẽ xảy ra.
Năm ngoái, Xuyên Việt OIL là doanh nghiệp đứng thứ hai về mức đóng thuế ở TP.HCM. Do đó, việc tạm giữ giấy phép gây thiệt hại rất lớn, khiến doanh nghiệp mất hết uy tín. Công ty đã giải trình rất kỹ với lực lượng quản lý thị trường về những khó khăn của việc tước giấy phép sẽ xảy ra đối với doanh nghiệp, kể cả trong việc vay vốn và ký kết các hợp đồng nước ngoài.
Các DN kiến nghị liên Bộ Công Thương - Tài chính về công thức tính giá cơ sở. Cần xem xét tính đúng, tính đủ các chi phí trong thời điểm hiện tại vào giá cơ sở để doanh nghiệp không bị lỗ, có điều kiện vay vốn để nhập hàng.
Không chỉ rà soát lại chi phí, ông Bùi Ngọc Bảo cũng đề nghị cần xem xét lại cho đúng việc định giá. Với việc định giá như hiện nay, vô hình chung đây vừa là giá sàn, vừa là giá trần. Doanh nghiệp chỉ được quyền bán buôn nhưng không được vượt giá cơ sở nhà nước đề ra.