Chuyên gia chứng khoán Hoàng Việt Cường cho rằng tạo thanh khoản giả, “thổi giá” cổ phiếu mà mọi người hay nhắc đến chỉ là một trong nhiều loại chiêu trò gian lận trên thị trường chứng khoán. “Tổ lái” hay “cá mập” trên sàn giao dịch còn nhiều hành vi ma mãnh khác như: giao dịch nội gián, làm giả hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán, thậm chí làm giả số liệu báo cáo...
Nếu không thận trọng quan sát thị trường, nhà đầu tư cá nhân có thể bị thiệt hại nặng dưới những chiêu trò của "đội lái". (Ảnh minh họa)
Theo đó, để thao túng được giá cổ phiếu, các "đội lái" sẽ tính toán kỹ, lên phương án chi tiết và tiến hành lớp lang từng bước theo kế hoạch để hỗ trợ quá trình mua hay bán. Thông thường họ sẽ chọn cổ phiếu giá thấp, lượng giao dịch hàng ngày không cao nhưng thông tin cơ bản hỗ trợ tốt.
Khi đã "gom hàng" đến lượng đủ lớn, họ sử dụng nhiều tài khoản cấp tập mua vào - bán ra với khối lượng khủng để tạo cung cầu giả, giá cổ phiếu liên tục được đẩy lên cao. Nhiều nhà đầu tư ít kinh nghiệm, ham lãi, sẽ "lướt sóng" nhằm kiếm lời.
Khi "đội lái" đã đẩy giá lên mức hấp dẫn, họ sẽ xả hàng, thông thường mức giá có thể tăng lên đến vài trăm phần trăm. Tất nhiên, có nhiều nhà đầu tư xác định đúng thời điểm "mua sớm" và "bán nhanh" khi đạt mục tiêu lợi nhuận thì vẫn có lãi. Nhưng ngược lại, có không ít những khách hàng "say mồi", chậm chân thoát hàng thì đành chịu thiệt hại rất nặng.
"Những chiêu trò này không mới và lặp lại nhiều lần nhưng vẫn có nhiều nhà đầu tư ham lợi nhuận, hoặc không tiết chế được cảm xúc khi tham gia thị trường đã rơi vào thua lỗ", ông Cường nói.
Chuyên gia chứng khoán Hoàng Sỹ Tiến từng chia sẻ chiêu làm giá tinh vi bằng các động tác "kéo, xả" ngay trong phiên và gom lợi nhuận từ từ. Đầu tiên, các nhà đầu cơ sẽ chọn một số cổ phiếu cơ bản ở mức chấp nhận được, có cổ đông lớn bán ra, thanh khoản giao dịch thấp.
Tiếp đó, họ thường không chọn cách đè cổ phiếu để gom trên sàn mà mua thẳng từ cổ đông lớn và hội đồng quản trị doanh nghiệp. Lượng cổ phiếu này thường đủ để dành quyền kiểm soát công ty. Khi đã gom được, họ sẽ đẩy giá trên sàn và sẵn sàng mua cổ phiếu của những nhà đầu tư còn lại.
Khi đẩy đến một ngưỡng nhất định, họ sẽ công bố phát hành tăng vốn bằng chia thưởng cổ phiếu. Tiếp đó lại đẩy giá cổ phiếu lên. Giai đoạn này sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia vì thấy giá đã được chia xuống thấp và thanh khoản tăng liên tục, sau đó tiến hành phát hành thêm ồ ạt bằng quyền mua. Khi đó giá cổ phiếu sẽ bị chia xuống chỉ còn khoảng bằng 1/3 so với giá đỉnh đã đẩy lên. Tiếp đó họ lại đẩy và xả, giúp cổ phiếu có thanh khoản cao chóng mặt.
Nhiều nhà đầu tư cá nhân lúc này sẽ thấy hấp dẫn và tham gia. Trong quá trình kéo xả này, họ sẽ bán ra lượng cổ phiếu sẵn có để dùng tiền mua vào quyền mua phát hành thêm. Khi cổ phiếu phát hành thêm về tài khoản, họ có thể vừa mua vừa bán giá sàn để hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia bắt đáy. Đây gọi là chiến lược “phân phối giá sàn”.
Với thủ thuật đó, số lượng cổ phiếu nắm giữ của "đội lái" sau khi thoát được hàng chỉ còn khá ít (có thể chỉ bằng khối lượng cổ phiếu đã mua vào trước đó). Ngược lại, họ thu được một lượng tiền lớn từ phát hành thêm mà vẫn giành quyền kiểm soát công ty.
Một trong những "chiêu" tinh vi trên thị trường là "hô biến" công ty chứng khoán thành sân sau cho "người nhà" thao túng cổ phiếu. Chuyên gia Nguyễn Hoàng Hải (Hiệp hội đầu tư tài chính VAFI) từng chỉ ra hiện tượng doanh nghiệp mua lại công ty chứng khoán nhỏ để làm công cụ giao dịch.
Thực tế có hàng ngàn tài khoản giao dịch được mượn đứng tên từ người lao động trong doanh nghiệp, người thân nhưng giao dịch hằng ngày đều do công ty chứng khoán thực hiện. Điều này có thể dễ dàng xác định với những tài khoản thường xuyên có giao dịch hàng chục, hàng trăm tỷ đồng trong khi chủ tài khoản chỉ là người lao động có thu nhập bình thường.
Thậm chí, có tình trạng giá cổ phiếu thấp hơn nhiều so với mệnh giá (dưới 10.000 đồng) trong khoảng thời gian dài, nhưng chủ doanh nghiệp vẫn tiến hành nhiều đợt bán cổ phiếu mới bằng mệnh giá, giá phát hành cao hơn giá thị trường 40 - 50%. Những thương vụ này nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường không mua, nhà đầu tư giá trị cũng không mua, vậy ai mua, ai tài trợ hay chỉ là vấn đề được tăng vốn điều lệ để bán giấy?
“Ai có lợi, ai bị thiệt hại và chẳng lẽ không ai chịu trách nhiệm? Tại sao họ mua cao rồi bán thấp? Chẳng lẽ “nhà đầu tư chiến lược” chấp nhận chịu lỗ hàng trăm tỷ đồng hay đó chỉ là thủ thuật mua, sau đó toàn bộ tiền được rút ra hoàn trả và doanh nghiệp phát hành có cơ sở bán giấy thu tiền thực?”, ông Hải đặt nghi vấn.
Cần mạnh tay dẹp "loạn"
Nhiều nhà đầu tư và chuyên gia bày tỏ quan điểm ủng hộ việc mạnh tay xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm nhằm làm trong sạch thị trường chứng khoán.
Chuyên gia chứng khoán Hoàng Việt Cường cho rằng những sai phạm của của một số cá nhân trên thị trường chứng khoán gần đây chỉ là hiện tượng đơn lẻ. Nhưng để thúc đẩy thị trường phát triển, nhà quản lý cần có những biện pháp cứng rắn để làm trong sạch thị trường.
Theo ông Cường, một trong những biện pháp giúp hạn chế hành vi vi phạm chứng khoán là cơ quan quản lý cần công bố thông tin không có sự phân biệt. Quy trình phải rõ ràng, phải có thanh tra giám sát và có đường dây nóng để báo cáo nghi ngờ vi phạm tường ngăn cách.
“Câu chuyện thao túng trên thị trường có thể xuất hiện ở một số thời điểm. Do đó, nhà đầu tư luôn phải có chiến lược phù hợp, mua mã nào, bán mã nào trước, lựa những mã có tiềm năng để vượt qua giai đoạn khó khăn của thị trường”, ông Cường nói.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, những chiêu trò nhằm thao túng thị trường chứng khoán sẽ để lại nhiều hậu quả khôn lường. Trong đó, thiệt hại trước mắt là làm đảo lộn diễn biến thị trường, khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ dễ gánh thiệt hại nặng về tài sản. Xa hơn, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến niềm tin, lợi ích của nhà đầu tư, tính bền vững, công khai, minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Dù thời gian qua có nhiều vụ việc thao túng giá bị phát hiện và xử phạt, nhưng với chế tài của Việt Nam còn rất thấp, chưa tương xứng với mức độ nghiêm trọng của hành vi thì chưa đủ tính răn đe.
Theo ông Long, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lãi suất tiết kiệm hạ thấp thì dòng tiền đổ nhiều hơn vào chứng khoán khiến chỉ số không ngừng tăng nóng. Nhưng những trồi sụt thất thường gần đây cho thấy thị trường tăng trưởng chưa vững chắc, tiềm ẩn nguy cơ đầu cơ, thao túng giá.
“Thị trường chứng khoán được coi là hàn thử biểu của nền kinh tế. Mà muốn đo lường được chính xác thì giá cổ phiếu phải phản ánh đúng giá trị nội tại của doanh nghiệp và phản ánh tương đối chính xác biến động của nền kinh tế.
Thực tế hiện nay, khi dịch COVID-19 diễn biến bất thường, cả nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp cũng lao đao thì chứng khoán lại không ngừng tăng nóng, nhiều phiên trồi sụt thất thường, khiến giới nhà đầu tư đặt nhiều nghi vấn”, chuyên gia chia sẻ.
Ông Nguyễn Hoàng Hải cũng cho rằng đã đến lúc mở chiến dịch thanh tra toàn diện để tình trạng thao túng trục lợi cổ phiếu giảm dần, bảo đảm thực thi pháp luật chứng khoán nghiêm minh và tăng cường củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư chứng khoán và cộng đồng các công ty niêm yết.
(Theo VTC News)