Đó là hệ điều hành Fuchsia, vốn được thiết kế cho “những chiếc smartphone hiện đại và máy tính cá nhân hiện đại trang bị chip tốc độ cao” và “dung lượng RAM lớn”.
Có vẻ hướng đi này khá bất thường với Google bởi hệ điều hành Android trước đây và hiện nay đều chạy rất tốt trên thiết bị giá rẻ có cấu hình bình thường. Chỉ có ứng dụng bên thứ ba mới yêu cầu cấu hình cao để đạt hiệu năng hoạt động tốt nhất.
Fuchsia được dựng mới hoàn toàn. Hệ điều hành này dùng nhân Magenta của Google chứ không phải nhân Linux như của Android. Nhân (kernel) chính là lõi của hệ điều hành để từ đó phát triển ra các chức năng cơ bản.
Kernel cũng giống như ngôi nhà trống (Linux) mà Google nghiên cứu, phát triển và tích hợp theo ý thích của hãng. Bằng việc tự tạo ra kernel riêng, Google có thể kiểm soát tốt hơn các khả năng của hệ điều hành.
Những hình ảnh ban đầu cho thấy Fuchsia không nhất thiết phải có màn hình home với các biểu tượng ứng dụng thường thấy trên Android hoặc iOS.
Thay cho các biểu tượng ứng dụng là các khung chữ nhật trên màn hình. Mỗi khung chữ nhật là một ứng dụng, có thể kéo lên xuống tùy ý. Ngoài ra, Fuchsia vẫn có nút home đặt ở cạnh dưới phần trung tâm của màn hình.
Fuchsia sử dụng giao diện người dùng dạng thẳng đứng. Để duyệt ứng dụng và các chức năng của hệ điều hành, người dùng chỉ cần vuốt lên hoặc vuốt xuống.
Các ứng dụng đã mở không chiếm toàn bộ màn hình như cách làm của Android hoặc iOS. Có vẻ chúng được thiết kế như các lớp kế tiếp nhau.
Biểu tượng thời gian và pin của Fuchsia lại được đặt ở phía dưới màn hình thay cho phía trên như Android. Trong khi đó, thanh thông báo và các nút trên màn hình vẫn xuất hiện ở phía trên và phía dưới như Android.
Khả năng chắc chắn là Fuchsia sẽ được tích hợp trợ lý thông minh Google Assistant.
Theo Zing