Những tính năng nổi bật
Tàu tên lửa hai thân lớp 022 có cơ sở kỹ thuật từ Hãng thiết kế tàu ADM của Australia. Được đánh giá là một trong những loại tàu tàng hình tốt nhất hiện nay trên thế giới, cấu trúc trên boong tàu có nhiều góc nghiêng lớn để giảm tối đa diện tích phản xạ hiệu dụng của radar.
Tàu sử dụng 4 bộ thiết bị đẩy phun nước để không tạo ra bọt nước mạnh như khi sử dụng chân vịt thông thường, nhờ đó có thể triệt tiêu âm thanh và đạt được hiệu quả triệt âm cao. Tàu còn được trang bị loại tên lửa phóng sợi bạc/hồng ngoại với công suất gây nhiễu mạnh nên tên lửa của đối phương dễ bị đánh lừa.
Hải quân Trung Quốc không công khai tốc độ hoạt động của tàu tên lửa lớp 022. Tuy nhiên, căn cứ vào thông số của các loại tàu cùng lớp (tàu AMD/K55 và tàu AMD/A60), các chuyên gia xác định tốc độ của tàu 022 có thể đạt 40-50 hải lý/giờ. Với tốc độ này, tàu vẫn hoạt động bình thường ngay khi có gió cấp 7-8, sóng cao 2,6m.
Về hỏa lực, với lượng choán nước đầy tải 220 tấn, tàu lớp 022 có thể mang 8 tên lửa chống hạm Ưng kích 83. Đây là loại tên lửa chống hạm tầm trung kiểu mới, tầm phóng lớn nhất 150km, sử dụng phương pháp điều khiển bằng lệnh trên hành trình và dẫn đường vô tuyến thụ động ở giai đoạn cuối.
Tên lửa dài 6,56m, cánh 0,18m, bán kính 0,36m, trọng lượng 830kg. Bộ phận chiến đấu là đầu đạn bán xuyên giáp nặng 165kg, sử dụng ngòi nổ tiếp xúc, hiệu suất trúng mục tiêu đạt trên 95%.
Trong tác chiến, tàu có thể phóng toàn bộ 8 tên lửa với giãn cách 3 giây/quả. Sau khi điểm hỏa, thiết bị trợ đẩy khởi động, tên lửa bay khỏi bệ phóng. Sau vài giây, thiết bị trợ đẩy tách khỏi thân tên lửa, động cơ hoạt động đưa tốc độ tên lửa đạt tới 0,9M.
Tên lửa duy trì đường bay bằng theo hành trình định sẵn, trong quá trình bay có thể thu nhận dữ liệu mục tiêu và thay đổi mục tiêu tiến công đã xác định ban đầu. Khi cách mục tiêu 10km, radar dẫn đường giai đoạn cuối khởi động, sục sạo và bám mục tiêu, sau đó tên lửa lướt trên biển, tiến công vào mớn nước của tàu mục tiêu.
Ngoài tên lửa, tàu 022 còn được trang bị 1 khẩu pháo phòng không 30mm 6 nòng sản xuất trong nước dựa trên pháo AK-630M1-2 của Nga, tầm bắn lớn nhất 8km, chủ yếu dùng để chống tên lửa phòng không tầm gần, tốc độ bắn cao nhất có thể đạt tới 4.500-5.000 phát/phút. Pháo cũng có khả năng chống hạm nhất định, ở cự li 3km.
Tàu được lắp 1 dàn radar đa năng đối hải - đối không kiểu Hải Âu-C, hoạt động ở băng tần C, với nhiều chức năng như tìm kiếm, bám sát mục tiêu, dẫn đường cho tên lửa. Cự ly hoạt động hiệu quả lớn nhất của radar là 100km ở độ cao 8km.
Trên đỉnh buồng lái lắp thiết bị bám sát quang điện OFC-3 hoặc OT-3 sản xuất trong nước. Trong đó, thiết bị OFC-3 nặng 115kg, có khả năng bám sát vô tuyến, bám sát hồng ngoại và đo xa laser, thời gian phản ứng là 3 giây, bán kính quay 315mm. Ban ngày trong điều kiện khí tượng, thủy văn tốt, cự ly phát hiện tên lửa chống hạm tối đa 20km.
Thiết bị OT-3 có đường kính 550mm, bán kính quay 315mm, trọng lượng khoảng 115kg, phối hợp với thiết bị OFC-3 có khả năng ổn định khép kín đường ngắm chuẩn và bám sát bằng ảnh hồng ngoại.
Sử dụng chiến đấu
Tàu tên lửa lớp 022 vừa có thể tác chiến đơn lẻ vừa có thể tác chiến theo cụm, dưới sự chỉ dẫn của máy bay chỉ huy báo động sớm trên không và máy bay tuần tra trên biển. Theo các quan chức hải quân Trung Quốc, tàu tên lửa của họ không cần tiếp cận mục tiêu, mà chỉ cần dựa vào các thông tin do máy bay cảnh giới cung cấp để thực hiện công kích mục tiêu.
Đặc biệt, trong điều kiện biển động, khi trực thăng trên tàu hải quân không thể hoạt động và đội tàu khu trục di chuyển chậm thì nhờ hành trình ổn định, tốc độ nhanh nên tàu lớp 022 có thể nhanh chóng đến được vùng biển xung đột, tiếp cận và triển khai tiến công mãnh liệt vào tàu đối phương.
Hải quân Trung Quốc cũng cho rằng, tàu 022 khi kết hợp với máy bay, tàu khu trục, tàu ngầm... sẽ hình thành lực lượng đánh chặn nhiều tầng, nhiều lớp trên không, trên biển, dưới nước.
Tuy nhiên, tàu tên lửa lớp 022 tồn tại một số nhược điểm như: Khả năng phòng không yếu; khi một bên bị nước vào, tàu nhanh chóng bị nghiêng, rất khó khắc phục; tàu không có khả năng hành trình thời gian dài nên khó đảm bảo sự hiện diện lâu ở vùng biển có thể xung đột; tàu cần sự yểm hộ của máy bay chiến đấu hải quân và máy bay chỉ huy, phải được cập nhật thông tin mới có thể tác chiến hiệu quả.
Giá thành của tàu cũng cao hơn so với các loại tàu tên lửa khác nên không thỏa đáng về kinh tế, không phù hợp với phương hướng xây dựng một lực lượng hải quân viễn dương.
Nguyên Phong