Chia sẻ với hãng tin Sputnik, một nguồn tin cho biết tên lửa 40N6 đã chứng minh được hiệu quả hoạt động trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.
"Hệ thống phòng không S-400 sử dụng tên lửa dẫn đường tầm siêu xa 40N6, và được trang bị đầu dẫn đường với những tính năng độc nhất. Kết hợp với máy bay trinh sát radar tầm xa A-50U, tên lửa 40N6 giúp hệ thống phòng không S-400 có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách xa bao gồm những mục tiêu di chuyển với tốc độ cao ở tầm thấp”, nguồn tin nhấn mạnh.
Cũng theo nguồn tin, hệ thống S-400 có thể tấn công các tiêm kích F-16 ngay khi chúng vừa cất cánh và đạt được độ cao triển khai. Điều này khiến tên lửa 40N6 được kỳ vọng trở thành một trong những phương tiện chính chống lại F-16.
Hiện tại, 2 quốc gia phương Tây là Hà Lan và Đan Mạch đã đồng ý chuyển giao F-16 cho Ukraine. Trong đó, Hà Lan có kế hoạch gửi lô F-16 đầu tiên cho Kiev vào năm 2024. Hồi tháng 10, Bỉ cũng cho biết sẽ cung cấp cho Ukraine một vài chiếc F-16 bắt đầu từ năm 2025. Trong khi đó, Mỹ đã tiến hành đào tạo cho các phi công Ukraine sử dụng F-16.
Hồi đầu tháng 11, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cảnh báo hệ thống phòng không Nga sẽ chỉ cần khoảng 20 ngày để bắn hạ tất cả tiêm kích F-16 mà quân đội Ukraine nhận được.
Theo hãng tin RT, phát biểu hôm 6/12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho hay Nga sẽ không do dự phá hủy các tiêm kích F-16 được gửi tới Kiev, ngay cả khi chúng cất cánh từ những căn cứ nằm bên ngoài lãnh thổ Ukraine.
Theo bà Zakharova, phần lớn cơ sở hạ tầng sân bay của Ukraine đã bị phá hủy và các tiêm kích F-16 có thể cất cánh từ các sân bay bên ngoài Ukraine bao gồm các nước thành viên NATO như Ba Lan, Slovakia và Romania.
“Nga sẽ coi các máy bay chiến đấu tham gia cuộc xung đột ở Ukraine là mục tiêu hợp pháp bị tiêu diệt”, bà Zakharova nhấn mạnh.
Cũng theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, việc chuyển giao F-16 khiến NATO "ngày càng lún sâu hơn vào xung đột ở Ukraine”.