Bill Gates, Barack Obama, Joe Biden, Elon Musk... là một trong những người bị hack tài khoản Twitter để đăng những đường link lừa đảo liên quan đến Bitcoin. Cụ thể, thông điệp kêu gọi gửi số tiền tới một ví Bitcoin, và người gửi sẽ được nhận lại gấp đôi.
Thế nhưng, thật kỳ lạ khi Donald Trump - một trong những người sử dụng Twitter nhiều nhất với 83 triệu lượt theo dõi, lại không bị hack tài khoản.
Là người sử dụng Twitter rất nhiều, nhưng tài khoản của ông Trump không bị hack trong vụ tấn công ngày 16/7. Ảnh: AP. |
"Tổng thống vẫn hoạt động trên Twitter. Tài khoản của ông được bảo mật và không bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công", phát ngôn viên Nhà Trắng xác nhận.
Lý giải cho việc tài khoản ông Trump không bị hack trong vụ việc ngày 16/7, Telegraph cho rằng đó là do tài khoản của ông đã được tăng cường bảo mật sau những sự cố từng xảy ra.
Năm 2017, tài khoản của ông Trump đã bị "hack" bởi một nhân viên Twitter người Đức. Người này đã cố tình vô hiệu hóa tài khoản của ông chỉ một ngày trước khi nghỉ việc. Từ đó, Twitter đã áp dụng các biện pháp bảo mật cho tài khoản của ông Trump.
Một số kỹ sư Twitter có quyền kiểm soát tài khoản người dùng, tuy nhiên nếu động đến tài khoản ông Trump, các lãnh đạo của Twitter sẽ được cảnh báo.
Trong phản hồi chính thức, Twitter cho biết vụ tấn công ngày 16/7 là do hacker sử dụng hệ thống nội bộ của nhân viên để truy cập các tài khoản. Tuy nhiên dường như tài khoản ông Trump quá khó để truy cập.
"Chúng tôi có thể xác nhận rằng tweet này không phải do Bill Gates đăng. Đây dường như là một phần trong sự cố của Twitter. Twitter đã biết sự cố này và đang cố gắng khôi phục tài khoản", đại diện của Bill Gates chia sẻ trên Recode.
Tài khoản có xác thực của Elon Musk bị hack. Nhiều tài khoản khác của Bill Gates, Apple, Jeff Bezos cũng đăng tweet tương tự. Ảnh chụp màn hình. |
Nếu tài khoản ông Trump được bảo vệ cao hơn, tại sao Twitter không áp dụng điều đó cho những chính khách như Joe Biden hay Barack Obama?
Thời gian này, hệ thống bảo mật của Twitter dễ bị tấn công hơn khi các nhân viên làm việc tại nhà do dịch Covid-19. Theo chuyên gia bảo mật Tom Patterson từ công ty CNTT Unisys, việc mang quá nhiều quyền truy cập về nhà của nhân viên khiến hệ thống bảo mật của Twitter dễ bị tổn thương hơn.
Tất nhiên, những ai thường sử dụng mạng xã hội sẽ dễ dàng nhận ra chúng là những bài đăng lừa đảo. Liệu những hacker còn có động cơ gì khác: tiền bạc, dữ liệu hay chính trị? Mọi câu hỏi vẫn chưa thể giải đáp ngay lúc này.
Ngày 16/7, Ủy ban Thương mại, Khoa học và Giao thông vận tải Thượng viện Mỹ đã bày tỏ quan ngại về vụ tấn công, cho rằng các trường hợp tương tự có thể dùng để lan truyền tin giả hoặc chia rẽ nội bộ, đặc biệt khi nạn nhân là những người có tiếng nói trong các lĩnh vực.
Ari Lightman, giáo sư về truyền thông kỹ thuật số và tiếp thị Đại học Heinz, thuộc Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) không loại trừ khả năng đây là cuộc tấn công có chủ đích, nhằm mở đường cho những cuộc tấn công tương tự vì yếu tố chính trị.
Đây không phải lần đầu các vụ hack tài khoản người nổi tiếng được phát hiện trên Twitter. Tháng 11/2018, một số tài khoản từng bị chiếm đoạt và đổi sang hình, tên giống tài khoản Elon Musk trước khi đăng tweet hứa hẹn tặng Bitcoin cho cộng đồng. Vụ tấn công lần này tinh vi hơn khi các tài khoản bị chiếm đoạt là tài khoản chính chủ, có xác thực.
(Theo Zing)
Twitter của Elon Musk, Bill Gates bị hack: Ai cũng có thể rơi vào bẫy của tin tặc
Vụ việc tài khoản Twitter của hàng loạt lãnh đạo công ty công nghệ và người nổi tiếng bị hack cho thấy hacker có thể tấn công bất kỳ ai.