Thị trường tài chính tăng trưởng mạnh
Theo chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực, cấu trúc thông thường của thị trường tài chính gồm: Thị trường tiền tệ/ngân hàng, thị trường vốn (bao gồm cả phái sinh tài chính) và thị trường bảo hiểm.
"Quy mô hệ thống tài chính Việt Nam đang phát triển nhanh, gấp khoảng hơn 2 lần so với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trước đây chỉ có một vài tổ chức tài chính nhưng giờ có hàng trăm tổ chức tài chính. Thị trường đang trở nên rất cạnh tranh, các sản phẩm dịch vụ đa dạng hơn và ngân hàng vẫn là kênh chi phối hệ thống tài chính", chuyên gia Cấn Văn Lực cho biết.
Đi sâu hơn, TS Cấn Văn Lực tính toán từ năm 2011 tới nay, tốc độ tăng trưởng của thị trường tài chính khoảng 14%/năm; trong đó, quy mô kênh ngân hàng tăng trưởng 12%/năm, thị trường cổ phiếu tăng trưởng khoảng 23%/năm về giá trị vốn hóa, thị trường bảo hiểm tăng khoảng 20%/năm về doanh thu phí; riêng thị trường trái phiếu tăng trưởng tương đối chậm so với các thị trường khác.
Về khía cạnh cung ứng vốn, ngân hàng cung ứng khoảng 47-48% vốn cho nền kinh tế, vốn FDI giải ngân 17-18%, còn trái phiếu mới cung ứng 13% tổng nguồn vốn cho nền kinh tế.
Về cấu trúc giám sát, quản lý, Việt Nam đi theo mô hình ngành dọc, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giám sát hệ thống ngân hàng, Bộ Tài chính quản lý kênh chứng khoán, bảo hiểm. Có nước có ủy ban giám sát tài chính giám sát cả 3 kênh.
Về quy mô tín dụng so với quy mô nền kinh tế, tỷ lệ tại Việt Nam là 126% GDP, mức trung bình cao so với thế giới và cao hơn so với các nước cùng mức thu nhập với Việt Nam. Chất lượng tín dụng cơ bản được kiểm soát tương đối tốt.
Tựu trung, quy mô thị trường tài chính Việt Nam bằng khoảng 300% GDP. Đây là tỷ lệ cao, vì vậy, theo TS Cấn Văn Lực, nếu như thị trường tài chính có vấn đề thì nền kinh tế không thể yên ổn. Chuyên gia này nhấn mạnh thêm, tiềm năng phát triển của thị trường tài chính Việt Nam còn rất lớn, nhiều sản phẩm hiện đại còn nhiều dư địa phát triển.
Thúc đẩy thị trường tài chính cá nhân
Riêng đối với lĩnh vực tài chính cá nhân, TS Cấn Văn Lực nhận định ngành tài chính cá nhân tại Việt Nam phát triển tương đối nhanh. Mức độ biến động của thị trường tài chính Việt Nam lớn nên việc giáo dục tài chính cá nhân là vô cùng quan trọng.
Chuyên gia Cấn Văn Lực cho biết, tiền gửi cá nhân ở hệ thống ngân hàng đã tăng trưởng khoảng 10%/năm trong những năm qua và hiện chiếm khoảng trên 50% tổng lượng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng.
Ở chiều ngược lại, cho vay cá nhân tăng nhanh hơn huy động vốn cá nhân. Tuy nhiên, quy mô cho vay tiêu dùng vẫn còn nhỏ bé, nhất là so với nhu cầu thực tế, chủ yếu tập trung mảng cho vay mua nhà (chiếm 65%), còn lại đa phần là cho vay mua ô tô.
TS Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) cho rằng: Theo một cuộc khảo sát nhỏ trên địa bàn Hà Nội, sự quan tâm tới tài chính cá nhân của người Việt Nam chưa nhiều, trên 80% số người được khảo sát không biết tài chính cá nhân là gì và họ cũng không quan tâm nhiều tới các kế hoạch tài chính cá nhân.
Tri thức tài chính và hoạch định tài chính cá nhân của các nhà đầu tư còn hạn chế, từ đó dẫn tới nhiều hệ lụy cho cá nhân, gia đình và xã hội, điển hình như: Tình trạng người lao động vướng vào tín dụng đen, ồ ạt rút bảo hiểm xã hội một lần, lẫn lộn giữa gửi tiết kiệm và mua trái phiếu, giữa sản phẩm gửi tiết kiệm linh hoạt và sản phẩm bảo hiểm nhân thọ...
"Tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững của thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung của Việt Nam. Có thể nói, ở nước ta, tri thức về tài chính cá nhân, hoạch định tài chính cá nhân, là khâu yếu nhất trong hệ thống phòng thủ, bảo đảm cho sự phát triển tài sản bền vững của mỗi người dân và sự phát triển lành mạnh của thị trường tài chính nói chung", Chủ tịch VFCA Lê Minh Nghĩa nhấn mạnh.
Để góp phần thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện Quốc gia của Chính phủ, VFCA đã lắng nghe trăn trở của hội viên, chủ động phối hợp với các chuyên gia đầu ngành về tài chính nghiên cứu, khảo sát, xây dựng Đề án Hoạch định tài chính cá nhân từ năm 2021. Đến nay đã tổ chức nhiều buổi trao đổi, tọa đàm và đã công bố Bản tóm tắt dự thảo Bộ tiêu chuẩn nhà hoạch định tài chính cá nhân bao gồm 4 khung tiêu chuẩn: (1) Về năng lực hành nghề, (2) Về chương trình đào tạo (3) Về quy trình hành nghề (4) Về đạo đức nghề nghiệp.
Hiệp hội đã gửi xin ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế, các trường đại học khối kinh tế, các hiệp hội nghề nghiệp, các chuyên gia… và đã tổng hợp tiếp thu góp ý để hoàn thiện dự thảo này; quyết định về phân loại cấp độ của nhà Hoạch định tài chính cá nhân để cung cấp căn cứ định hướng cho công tác đào tạo, quản lý hành nghề hoạch định tài chính cá nhân…