6h sáng mỗi ngày, một người phụ nữ ở An Huy (Trung Quốc) đều đạp xe quanh khu nhà của mình. Tuy nhiên, đó không phải là một chuyến đi yên tĩnh. Trong khi đạp xe, cô hét to để cố gắng tăng dung tích phổi của mình. Theo SCMP, tiếng la hét của cô lớn đến mức hàng xóm mệnh danh cô là "chiếc đồng hồ báo thức”.
Người phụ nữ trên bắt đầu thói quen từ tháng 10 năm ngoái. Cô hét nhiều lần, mỗi lần kéo dài khoảng 10 giây.
Khi câu chuyện được chia sẻ trên mạng, rất nhiều người tranh luận về bài tập phổi khác thường đó. Các chuyên gia cũng đưa ra ý kiến của mình.
Tiến sĩ Ambarish Joshi, Khoa phổi, Bệnh viện chuyên khoa Primus (Ấn Độ), cho biết cách làm này có thể tăng dung tích phổi và sức mạnh cho một số cơ hô hấp nhưng chỉ mang tính chất tạm thời trong khi mặt trái lại nhiều hơn. “La hét không đặc biệt có lợi cho sức khỏe của phổi. La hét quá mức hoặc kéo dài có thể gây tổn thương, rối loạn dây thanh quản”, Tiến sĩ Joshi giải thích.
Tiến sĩ Kamlesh Pandey, bác sĩ tư vấn về lồng ngực, Bệnh viện Wockhardt (Ấn Độ) cũng đồng quan điểm, không có bằng chứng rõ ràng la hét cải thiện chức năng phổi và giúp oxy đi khắp cơ thể bằng cách tăng dung tích phổi.
“Liệu pháp la hét có thể giúp một người giải tỏa căng thẳng và căng cơ, từ đó khiến họ cảm thấy vui vẻ. Tuy nhiên, tác động của hành vi này đến phổi như thế nào vẫn chưa được biết. Chúng ta sẽ phải chờ thêm các nghiên cứu khác”, Tiến sĩ Pandey nói.
Các chuyên gia đều thống nhất lợi ích tạm thời của la hét thua xa hậu quả tiêu cực. “Hét quá to dễ làm căng dây thanh quản và gây khàn tiếng hoặc các rối loạn thanh âm khác. Ngoài ra, cổ họng có thể bị tổn thương, kích ứng”, Tiến sĩ Joshi nhận định.
Ngoài ra, gây ồn ào nơi công cộng cũng có thể nảy sinh rắc rối, rạn nứt các mối quan hệ.
La hét cũng có thể phát tán vi khuẩn hoặc các giọt chứa virus, làm tăng nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm về đường hô hấp.
Bác sĩ Pandey cảnh báo, những người bị huyết áp cao không nên la hét quá nhiều vì huyết áp của họ có thể tăng cao hơn.
“Những người đã có vấn đề về dây thanh quản như có nốt, polyp hoặc viêm thanh quản nên hạn chế nói to quá mức. Những người mắc các bệnh về đường hô hấp như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc viêm phế quản cũng nên tránh vì nguy cơ trầm trọng thêm các triệu chứng”, bác sĩ Joshi nói thêm.
Cách tăng cường sức khỏe phổi hiệu quả
- Tập thể dục thường xuyên là điều cần thiết để tăng cường sức khỏe của phổi. Đi bộ nhanh, chạy bộ hoặc đạp xe sẽ mở rộng dung tích phổi.
- Chức năng phổi có thể cải thiện bằng các bài tập thở sâu như thở bằng cơ hoành hoặc thở mím môi.
- Giảm tiếp xúc với ô nhiễm và khói thuốc.
- Duy trì chất lượng không khí trong nhà.
- Có một chế độ ăn uống cân bằng với đầy đủ trái cây, rau và chất chống oxy hóa.