- 'Việc hiện đại hóa quốc phòng không nhằm đe dọa sử dụng vũ lực và sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế và không nhằm can thiệp vào bất cứ một nước nào khác' - Trung tướng Nguyễn Đức Hải, Viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng.
Trao đổi với VietNamNet về một trong những điểm chú ý của quốc phòng 2014 - triển khai hiện đại hóa quân đội, Trung tướng Nguyễn Đức Hải cho biết, hiện đại hóa quốc phòng, quân đội không chỉ về vũ khí trang bị (mặc dù đây là điều dễ thấy hơn) mà gồm cả tổ chức biên chế, công tác lãnh đạo, chỉ huy, huấn luyện, khoa học quân sự, bảo đảm...
Song song đó, VN cũng nghiên cứu phát triển nghệ thuật quân sự, nâng cao khả năng chế tạo, sản xuất vũ khí trang thiết bị quốc phòng, quân sự của công nghiệp quốc gia, công nghiệp quốc phòng.
"Chúng ta đã và đang mua sắm một số loại vũ khí hiện đại như tàu ngầm, tên lửa phòng không, đất đối hải, máy bay chiến đấu, tàu cảnh sát biển và khí tài quan sát, thông tin... nhằm bảo đảm cho lực lượng vũ trang đủ sức quản lý, bảo vệ vùng đất, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống.
Trung tướng Nguyễn Đức Hải: Hiện đại hóa quân đội nhằm mục đích gìn giữ hòa bình, phòng thủ, tự vệ |
Việc mua sắm này thực hiện một cách công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, phù hợp với khả năng bảo đảm của nền kinh tế, luật pháp quốc tế và xu thế chung.
Chúng ra xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, tự chủ, hiện đại, nhằm mục đích gìn giữ hòa bình, phòng thủ, tự vệ, thực hiện chiến lược quốc phòng tối ưu là bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ và các lợi ích quốc gia, dân tộc... mà không phải tiến hành chiến tranh.
Việc hiện đại hóa quốc phòng không nhằm đe dọa sử dụng vũ lực và sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế và không nhằm can thiệp vào bất cứ một nước nào khác".
Ưu tiên hiện đại hóa hải quân
Việc hiện đại hóa được triển khai theo lộ trình phân kỳ không, thưa ông?
Quá trình hiện đại hóa quốc phòng diễn ra trong một số năm, theo một kế hoạch, chương trình dài hạn. Từ yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và khả năng của đất nước, nên việc hiện đại hóa tất yếu phải chia thành các giai đoạn.
Trên cơ sở các thách thức, yêu cầu, nhiệm vụ và khả năng để đề ra mục tiêu cụ thể của từng năm, từng giai đoạn.
Trong đó, quân đội là lực lượng nòng cốt, thực hiện từng bước hiện đại hóa; trên cơ sở hiện đại hóa lục quân, ưu tiên hiện đại hóa hải quân, phòng không - không quân, thông tin liên lạc, tác chiến điện tử và trinh sát kỹ thuật.
Lực lượng Cảnh sát biển VN. Ảnh: Lao Động |
Như ông nói trong phân kỳ sẽ dành ưu tiên cho hiện đại hóa hải quân. Trong năm 2014, VN bắt đầu nhận các sản phẩm tàu ngầm đầu tiên trong lô hàng đặt Nga sản xuất. Như chúng ta biết, để hạm đội tàu ngầm hoạt động được phải có nhiều trang thiết bị hỗ trợ. Để hoàn chỉnh, VN sẽ còn phải có thêm mua sắm thiết bị hỗ trợ?
Năm 2014, chúng ta đã nhận 2 tàu ngầm và cuối năm sẽ nhận chiếc thứ ba theo đúng lộ trình. Để tàu ngầm hoạt động có hiệu quả, cần phải đồng bộ trang bị.
Do đó, VN sẽ tiếp tục mua sắm các trang thiết bị đảm bảo kỹ thuật, bảo đảm chiến đấu, an toàn cho lực lượng tàu ngầm và các lực lượng khác nhằm phối hợp với nhau tạo ra sức mạnh tổng hợp phòng thủ bảo vệ biển đảo như: ra-đa cảnh giới biển, hệ thống trinh sát phát hiện mục tiêu ngầm, máy bay của hải quân...; hợp tác chuyển giao công nghệ đóng tàu chiến...
Cũng xin nói thêm, nghệ thuật quân sự VN kết hợp giữa hiện đại và thô sơ, chiến tranh chính quy và du kích, đánh địch bằng mưu kế, thế, thời, lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn, nên chúng ta vừa khai thác, phát huy cao nhất tính năng kỹ, chiến thuật của vũ khí hiện đại, vừa linh hoạt, sáng tạo tìm ra cách đánh phù hợp nhất.
Hai tàu ngầm HQ 184 Hải Phòng (trái) và HQ 185 Khánh Hoà(phải) đậu trước nhà máy đóng tàu Admiralty, St.Petersburg, Nga cuối tháng 7. Ảnh: Nhà máy Admiralty
|
Đa dạng hóa nguồn để nâng cao khả năng bảo vệ
2014 cũng ghi nhận việc VN tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đáng chú ý là việc Mỹ dỡ bỏ một phần cấm vận vũ khí sát thương cũng như VN có những hợp đồng thương mại mua sắm với Israel. Ông đánh giá thế nào, quyết định của phía Mỹ có mở ra những cơ hội hợp tác thực tế không?
VN chủ trương hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng cả song phương và đa phương. Hợp tác quốc phòng trong đó có mua sắm vũ khí trang bị quân sự.
Việc hiệp đồng mua sắm vũ khí trang bị với Nga, Pháp, Israel và một số nước khác nhằm có thêm nhiều lựa chọn, đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa vũ khí trang bị, phù hợp với nghệ thuật quân sự, điều kiện của VN, nâng cao khả năng bảo vệ Tổ quốc.
Việc Israel, một số nước phương Tây bán vũ khí trang bị và Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí cho VN bên cạnh ý nghĩa về kinh tế còn thể hiện sự đồng tình, ủng hộ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hợp tác và phát triển của VN.
Bảo vệ chủ quyền mà đối đầu là bất lợi "Trong năm 2014, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc nói chung, đấu tranh bảo vệ chủ quyền của nước ta bên cạnh thời cơ, thuận lợi, cũng đứng trước những khó khăn, thách thức. Các thế lực thù địch tăng cường hoạt động chống phá trên nhiều mặt, tranh chấp biển đảo sẽ diễn biến gay gắt, phức tạp hơn. Thách thức lớn nhất là vừa phải bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hành động phá hoại, xâm phạm chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc, vừa phải giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình, duy trì quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng, các nước lớn và các nước khác. Chủ quyền quốc gia là điều thiêng liêng, không thể nhân nhượng, nhưng đấu tranh bảo vệ chủ quyền mà để xảy ra xung đột vũ trang, chiến tranh, đối đầu là điều bất lợi" - Trung tướng Nguyễn Đức Hải |
Chung Hoàng - Thúy Quỳnh