Tạo tiền đề cho hệ sinh thái số trong quản lý, điều hành GTVT
Ngày 30/6, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định phê duyệt Đề án “Ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành GTVT, tập trung đối với lĩnh vực đường bộ”.
Trao đổi với ICTnews, ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm CNTT - Bộ GTVT, đơn vị trực tiếp soạn thảo Đề án cho biết, việc thực hiện Đề án một cách tổng thể sẽ quy hoạch lại các ứng dụng hiện có, đưa vào một thiết kế tổng thể, phối hợp nguồn lực của Nhà nước và doanh nghiệp tạo nên một hệ thống thống nhất, vận hành đồng bộ trên phạm vi cả nước trong lĩnh vực giao thông vận tải.
“Việc nghiên cứu xây dựng Đề án này là yêu cầu thực tiễn và cấp thiết nhằm khắc phục nhanh chóng tình trạng phát triển ứng dụng nhỏ lẻ hiện tại. Từ đó tạo tiền đề cho một hệ sinh thái số trong quản lý và điều hành GTVT”, ông Tùng nhấn mạnh.
Đề án “Ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành GTVT, tập trung đối với lĩnh vực đường bộ” hướng tới mục tiêu đầu tư hiện đại hóa ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản lý, điều hành ngành GTVT phù hợp với xu thế chuyển đổi số của Chính phủ và xây dựng nền kinh tế số trong giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; Tập trung vào lĩnh vực đường bộ nhằm bảo đảm thông suốt, an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường cho tất cả các phương thức vận tải.
Một mục tiêu cụ thể của Đề án là đến năm 2025, 100% các tuyến đường bộ cao tốc có triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh (Ảnh minh họa: VEC) |
Một mục tiêu cụ thể của Đề án đến năm 2025 là hình thành được cơ sở hạ tầng dữ liệu của ngành GTVT, trong đó có cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung được kết nối, tích hợp dữ liệu từ các hệ thống nghiệp vụ chuyên dùng nhằm cung cấp thông tin phục vụ quản lý, điều hành GTVT đầy đủ, kịp thời, chính xác cho người ra quyết định.
Cũng đến năm 2025, 100% chế độ báo cáo trong ngành GTVT sẽ được chuẩn hóa và quản lý bằng hệ thống ứng dụng CNTT của Bộ GTVT, có kết nối liên thông với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; cung cấp đầy đủ dữ liệu mở của ngành GTVT đối với các số liệu thống kê hàng năm, các loại thông tin phải được công khai theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, 100% hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ GTVT được quản lý, theo dõi tiến độ xử lý trên Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử; tất cả các dịch vụ công phổ biến liên quan đến nhiều người dân và doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4 và được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; tối thiểu 50% số lượng bộ hồ sơ thực hiện tại Bộ GTVT được nộp trực tuyến mức độ 3, 4.
Hoàn chỉnh môi trường làm việc trực tuyến của Bộ GTVT để bảo đảm có tối thiểu 100% văn bản được xử lý, trao đổi hoàn toàn điện tử (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật); ít nhất 50% cuộc họp được thực hiện trực tuyến, rút ngắn từ 30% đến 50% thời gian họp, giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giây thông qua Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc, văn phòng điện tử.
Đề án cũng đặt mục tiêu bảo đảm an toàn, an ninh cho các hệ thống ứng dụng CNTT của ngành GTVT, trong đó 100% hệ thống được kết nối trao đổi dữ liệu thông qua mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan nhà nước; 100% các tuyến đường bộ cao tốc có triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh (ITS), hình thành được các trung tâm tích hợp quản lý, điều hành giao thông của đô thị thông minh tại các thành phố trực thuộc trung ương và địa phương có nhu cầu.
Một mục tiêu cụ thể nữa của Đề án là đến năm 2025, toàn bộ số liệu phục vụ quản lý an toàn giao thông được xử lý, tích hợp hoàn toàn tự động từ các hệ thống thông tin quản lý thuộc các chuyên ngành đường bộ, Cảnh sát giao thông và y tế dùng để đáp ứng công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Tự động hóa hoàn toàn các công tác liên quan đến quản lý đăng ký, kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp, phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia kinh doanh vận tải nhờ các hệ thống thiết bị và phần mềm ứng dụng CNTT.
Hoàn chỉnh quy trình quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc đào tạo, sát hạch và cấp phép cho người điều khiển phương tiện, phòng tránh tiêu cực, nhũng nhiễu gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.
Đồng thời, đến năm 2025, tất cả các kế hoạch quản lý bảo trì, duy tu các tài sản kết cấu hạ tầng giao thông được kiểm tra số liệu, xử lý trên hệ thống ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân; Hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) được triển khai đồng bộ tại tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc.
Bảy nhóm nhiệm vụ, giải pháp
Để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra, Đề án mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng nêu rõ 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp sẽ được tập trung triển khai trong thời gian tới như: Hoàn thiện cơ chế, chính sách và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành GTVT; Xây dựng, hoàn thiện các hệ thống kỹ thuật dùng làm nền tảng để phát triển các hệ thống ứng dụng phục vụ quản lý, điều hành ngành GTVT; Triển khai, hoàn thiện ứng dụng CNTT giao thông đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không…
Theo Đề án, sẽ có 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được tập trung triển khai thời gian tới (Ảnh Bộ GTVT cung cấp) |
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức triển khai Đề án; Cụ thể hóa các nội dung của Đề án trong chương trình, kế hoạch ứng dụng CNTT trung hạn và hàng năm của ngành GTVT.
Bộ GTVT cũng được giao chủ trì xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chính sách và hướng dẫn triển khai ứng dụng CNTT vào các hoạt động bảo đảm an toàn giao thông và cung ứng dịch vụ GTVT.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TT&TT hướng dẫn Bộ GTVT và các cơ quan liên quan thực hiện triển khai các nhiệm vụ xây dựng ứng dụng CNTT, dịch vụ CNTT, phát triển nhân lực CNTT trong Đề án.
Trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 6/3/2020, Giao thông vận tải và logistics cũng được xác định là một trong tám lĩnh vực cần được ưu tiên chuyển đổi số trước, cùng với Y tế, Giáo dục, Tài chính - Ngân hàng, Nông nghiệp, Năng lượng, Tài nguyên và Môi trường, Sản xuất công nghiệp. Những lĩnh vực này được đánh giá là có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí.
Theo Chương trình, việc triển khai chuyển đổi số lĩnh vực Giao thông vận tải và logistics sẽ tập trung phát triển hệ thống giao thông thông minh, tập trung vào các hệ thống giao thông đô thị, đường cao tốc, quốc lộ; Chuyển đổi các hạ tầng logistics; Chuyển đổi việc quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện kinh doanh vận tải, quản lý người điều khiển phương tiện, cho phép quản lý kết cấu hạ tầng giao thông số, đăng ký và quản lý phương tiện qua hồ sơ số, cấp và quản lý giấy phép người điều khiển phương tiện số…
M.T
Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số vào năm 2030
“Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” vừa được phê duyệt, với tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.
Hơn 88% dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 Bộ GTVT có phát sinh hồ sơ
Cùng với việc hoàn thành tỷ lệ 30% dịch vụ công trực tuyến mức 4, hiện Bộ Giao thông vận tải (GTVT) còn có có tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 3,4 có phát sinh hồ sơ lên tới 88,16%.