Du
Trải nghiệm ứng dụng du lịch thông minh tại một hội nghị về du lịch. Ảnh: H.S

Nhu cầu du lịch hướng tới trải nghiệm được cá nhân hóa, thân thiện ngày càng là xu hướng phát triển. Xu hướng này đòi hỏi sự phát triển của những ứng dụng số thông minh để đưa ra những sản phẩm, lời giải tối ưu cho từng nhóm nhu cầu đặc thù của du khách dựa trên việc số hóa hệ thống dữ liệu lớn về điểm đến, sản phẩm du lịch và các cơ sở cung ứng dịch vụ theo chuỗi giá trị.

Với xu hướng du lịch chủ động, ngày càng nhiều du khách có nhu cầu tự kết nối với các nhà cung cấp, tự trải nghiệm theo hướng dẫn thông qua công nghệ, thậm chí là đưa ra đánh giá, chia sẻ về thông tin, kinh nghiệm sau chuyến đi.

Theo ông Lê Văn Anh - đại diện Trung tâm VNPT IT khu vực 3 (Công ty Công nghệ thông tin VNPT), Quảng Nam cần thúc đẩy xây dựng hoàn chỉnh bản đồ số du lịch và nâng cấp hoàn thiện hệ thống gợi ý lịch trình thông minh.

Nghiên cứu bổ sung Trung tâm điều hành du lịch thông minh, xây dựng chuyên trang “đặc sản địa phương”, tổ chức các cuộc thi ảnh qua cổng thông tin du lịch… để phục vụ nhu cầu của du khách cũng như thúc đẩy tương tác, quảng bá du lịch địa phương qua phương tiện số.

Ký
Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Quảng Nam và Công ty CP Vietsoftpro ký hợp tác thúc đẩy du lịch thông minh. Ảnh: H.S

“Ngoài ra địa phương cần nghiên cứu triển khai công cụ Smart UX. Thông qua Smart UX, các nhu cầu tương tác, tìm kiếm của du khách sẽ hiển thị trên bản đồ nhiệt, qua đó chúng ta cũng sẽ phân tích được hành vi người dùng để có giải pháp nâng cao giá trị trải nghiệm cho du khách” - ông Anh nói.

Ông Hoàng Quốc Việt - Tổng Giám đốc Công ty Vietsoftpro nhận định, hệ thống cơ sở dữ liệu số là nguồn tài nguyên rất quan trọng, đóng vai trò trung tâm trong hệ thống du lịch thông minh. Do đó cần thiết xây dựng một hệ thống lưu trữ, quản lý, số hóa các nguồn tài nguyên phục vụ du lịch.

Ngoài các dữ liệu đa phương tiện truyền thống (phim, hình ảnh, văn bản…), hệ thống du lịch thông minh cần nhấn mạnh vào việc xây dựng dữ liệu số 3D, sách điện tử và mô hình thực tại ảo (AR). 

Khai
Mỹ Sơn vừa khai trương ứng dụng thuyết minh đa ngôn ngữ tại di sản này vào tháng 7/2023 sau thời gian vận hành thử nghiệm. Ảnh: H.S

“Công nghệ không chỉ giải quyết bài toán gia tăng lượng khách đến mà công nghệ hoàn toàn có thể tạo ra các sản phẩm công nghiệp văn hóa giá trị phục vụ cho ngành du lịch nếu biết cách tích hợp, khai thác hợp lý” - ông Việt chia sẻ.

Ngoài ra, vấn đề trước mắt đang nhận được nhiều quan tâm trong chuyển đổi số du lịch chính là số hóa vé tham quan di sản.

Theo ông Nguyễn Sơn Thủy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, các điểm du lịch chính tại Quảng Nam như Hội An hay Mỹ Sơn cần nhanh chóng áp dụng triệt để công nghệ số như thẻ điện tử, Al vào quản lý vé tham quan, phát triển các sản phẩm du lịch số mới, tăng giá trị trải nghiệm mới cho du khách tại điểm tham quan hoặc trên nền tảng số. 

Số hóa
Theo doanh nghiệp, cần sớm áp dụng triệt để công nghệ số như thẻ điện tử, Al vào quản lý vé tham quan tại các điểm đến chính của Quảng Nam như Hội An hay Mỹ Sơn. Ảnh: H.S

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, chuyển đổi số trong du lịch là vấn đề bức thiết và còn những vấn đề trăn trở. Trong năm nay cơ quan quản lý tham mưu cho UBND tỉnh sớm giải quyết dứt điểm vấn đề quản lý, báo cáo trong lưu trú du lịch bằng một phần mềm thống nhất.

Ngành du lịch địa phương cũng phải sớm tham mưu cho UBND tỉnh triển khai nền tảng thiết thực để các doanh nghiệp liên quan đến ngành ứng dụng và chia sẻ thông tin dữ liệu với nhau một cách liên thông. 

Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2023 đã có 12.260 lượt tải và cài đặt hệ thống du lịch thông minh Quảng Nam. Trong đó, có khoảng 90% là người dùng trong nước, khoảng 4% người dùng ở khu vực châu Á, cùng khoảng 4% ở Hoa Kỳ và 2% ở các khu vực khác.

Theo Hà Sấu (Báo Quảng Nam)