W-cong-vien-ng-hue-2-1.jpg

Các khu đất được đề xuất làm công viên có nơi đang để hoang, nơi đã được cải tạo, nơi tận dụng trồng hoa phục vụ Tết Nguyên đán. Trong ảnh là Công viên quảng trường Thủ Thiêm ở TP Thủ Đức (đoạn từ cầu Ba Son đến đường hầm sông Sài Gòn), rộng 20ha, đã được cải tạo và đi vào hoạt động hồi cuối tháng 12/2023. 

W-cong-vien-ng-hue-3-1.jpg

Công viên có hơn 200 cây xanh, thảm cỏ, tiểu cảnh, đường dạo, ghế ngồi, hệ thống chiếu sáng. Nhiều hạng mục như công viên đá, công viên sinh thái, đài phun nước, bến tàu thủy... đang được thi công, gấp rút hoàn thiện trước Tết Nguyên đán. 

W-cong-vien-ng-hue-1-1.jpg

Khu lâm viên sinh thái TP Thủ Đức với quy mô 128ha được quy hoạch có chức năng chính là khu vực dành cho mục đích bảo vệ môi trường và thoát nước mặt, được giữ gìn hệ sinh thái tự nhiên... Hiện trạng khu đất nằm bên sông Sài Gòn, dày đặc các loại thực vật phát triển tự nhiên.

W-cong-vien-ng-hue-5-1.jpg

Công viên Gò Cát ở quận Bình Tân rộng 13ha. Đây vốn là bãi rác được sử dụng theo phương thức chôn lấp, đã ngưng hoạt động từ năm 2007, hiện bỏ hoang.

W-cong-vien-ng-hue-1-4-1.jpg

Tại đây khu nhà máy rác cũ vẫn chưa được tháo dỡ. Hiện trạng phần lớn bãi rác đã được chôn lấp, cây cỏ mọc kín, một số đoạn có tường bao ngăn cách với khu dân cư.

W-cong-vien-ng-hue-2-3.jpg

Khu đất có diện tích lớn nhất là công viên Sài Gòn Safari ở huyện Củ Chi, rộng 485ha, cách trung tâm hơn 50km. Dự án này nằm trên địa bàn hai xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng với các khu chức năng thả thú bán hoang dã.

W-cong-vien-ng-hue-1-3.jpg

Dự án có tổng số vốn đầu tư lên đến 500 triệu USD và được đánh giá là công viên khu du lịch sinh thái lớn nhất Việt Nam, tầm cỡ khu vực Đông Nam Á với chức năng bảo tồn, trưng bày, nhân giống các loài thú quý hiếm trên thế giới. Tuy nhiên hiện tại, dự án 'treo' này vẫn là nơi chăn nuôi trâu, bò, trồng rau.

W-cong-vien-ng-hue-10-1.jpg

Công viên cây xanh Thạnh Xuân ở quận 12 rộng 150ha, nằm ở hai phường Thạnh Xuân và Thới An. Dự án được phê duyệt từ năm 1999, đến năm 2019, UBND TP.HCM chấp thuận đề xuất xây công viên. Do diện tích lớn, dự án được quy hoạch thành công viên đa chức năng với các loại hình vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, vừa điều tiết nước và chứa nước sạch cho cả khu vực. Tuy nhiên đến nay công viên vẫn chưa được triển khai, phần lớn diện tích đang được người dân tận dụng trồng rau, trồng hoa Tết.

W-cong-vien-ng-hue-6-1.jpg

Có diện tích nhỏ nhất là Công viên Cây xanh thuộc Khu Công viên cây xanh - thể dục thể thao ở phường 12, quận Bình Thạnh với 3,8ha. Khu công viên nằm ven rạch Lăng và rạch Cầu Sơn, xung quanh là khu thể thao, chung cư và trường học.

W-cong-vien-ng-hue-7-1.jpg

Công viên chưa được triển khai, hiện là bãi đất trống với tuyến đường dân sinh đã thành hình. Buổi chiều, người dân thường tới tập thể dục, vui chơi. 

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra chỉ tiêu cây xanh hướng tới năm 2030 không dưới 1m2/người. Để đạt được chỉ tiêu này, thành phố phải tăng thêm tối thiểu 450 ha đất công viên.

Chính vì vậy, Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị xây thêm 6 công viên tổng diện tích gần 800 ha. Các công viên được đề xuất có quy mô lớn từ nguồn đất công hoặc đất trống trên địa bàn TP với diện tích từ vài chục đến vài trăm héc ta, nằm rải rác ở nhiều quận, huyện.

Để triển khai thực hiện các dự án này, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng của các dự án nêu trên. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát về nguồn gốc, thời hạn sử dụng, cho thuê của các khu đất này để tham mưu UBND TP các thủ tục thu hồi đất theo quy định.