Quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương có thể không lường trước được phản ứng dữ dội đối với thỏa thuận an ninh họ ký kết gần đây với Trung Quốc, đặc biệt từ các cường quốc truyền thống trong khu vực.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, dù thỏa thuận không phải là bước tiến đột phá đầu tiên của Trung Quốc vào châu Đại Dương, nhưng một chỗ đứng vững chắc ở Solomon sẽ là cột mốc trong chặng đường dài vượt qua Thái Bình Dương của nước này.
Trung Quốc đã trở thành lực lượng hải quân lớn nhất thế giới tính theo số lượng tàu, nhưng việc khan hiếm các căn cứ ở nước ngoài lại hạn chế tham vọng trên biển của họ. Ngoài một căn cứ khánh thành năm 2017 tại Djibouti, ở lối vào Biển Đỏ, Bắc Kinh hiện không có căn cứ chính thức nào khác ở nước ngoài. Ngược lại, Mỹ sở hữu khoảng 800 căn cứ trên khắp thế giới.
Tìm kiếm căn cứ nước ngoài
Do Bắc Kinh không tham gia vào những liên minh chính thức và các căn cứ thường trực đang gây tranh cãi, họ có thể tìm cách khắc phục nhược điểm này thông qua việc tạo lập thỏa thuận tiếp cận với một số quốc gia chiến lược về mặt địa lý. Các quốc đảo và quốc gia ven biển ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là mục tiêu tự nhiên vì họ sẽ cung cấp cho hải quân Trung Quốc địa điểm lý tưởng để thiết lập các cơ sở hậu cần, bổ sung tiếp tế và tạm trú cho thủy thủ đoàn.
Những thỏa thuận như vậy cũng giúp thúc đẩy mối quan hệ quốc phòng với các nước sở tại và có thể chuyển thành nhiều hợp đồng mua bán vũ khí, tập trận hoặc tuần tra chung, thậm chí là quyền thiết lập căn cứ bí mật. Từ góc độ này, hiệp ước an ninh Trung Quốc - Solomon thể hiện một bước đột phá. Tuy nhiên, sự chú ý đối với thỏa thuận đồng nghĩa việc triển khai nó sẽ bị soi xét nghiêm ngặt.
Trong khi Trung Quốc thiết lập quan hệ chính thức với quần đảo Solomon vào năm 2019, hiệp ước mới có khả năng sẽ cung cấp một số đảm bảo cho các nhà đầu tư và khách du lịch đại lục, khiến họ ùn ùn kéo tới quốc đảo này. Việc biến Solomon thành một nơi phô diễn sự phát triển có thể biện minh cho quyết định đánh cược gây tranh cãi của Thủ tướng Manasseh Sogavare. Bước chuyển đổi chính sách ngoại giao đã hé lộ sự chia rẽ nội bộ giữa chính quyền trung ương Solomon và tỉnh Malaita, nơi nhà chức trách địa phương tỏ ra không hài lòng.
Nếu hợp tác an ninh và kinh tế rộng lớn của Trung Quốc mang lại sự ổn định và thịnh vượng cho quần đảo, thông điệp sẽ vang dội trên khắp Thái Bình Dương. Từ Solomon, Trung Quốc có thể quan sát tốt hơn các cuộc tập trận và hoạt động trên biển của các đối thủ, từ đó vươn dài sức mạnh khắp Thái Bình Dương.
Nếu Bắc Kinh viện trợ Solomon, tác động sẽ không dừng lại ở đó. Các quốc gia khác như Papua New Guinea, Vanuatu và Kiribati mà Bắc Kinh đang lôi kéo cũng có thể quan tâm đến các thỏa thuận tiếp cận tương tự.
Đối với quần đảo Solomon, sự phớt lờ khi đối mặt với áp lực cho thấy quyết tâm trong việc đa dạng hóa các đối tác an ninh. Trong khi trấn an Australia rằng họ vẫn là một đối tác được lựa chọn, nước này đang có một bước nhảy vọt về niềm tin trong việc thu hút các đối tác mới ngay cả trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị.
Ông Sogavare có thể lập luận rằng, gia đình Thái Bình Dương không phải là một phạm vi ảnh hưởng độc quyền, ngăn cản một thành viên tìm kiếm những người bạn mới để giải quyết các vấn đề dai dẳng. Nghèo đói, thất nghiệp và thiếu cơ sở hạ tầng đã ảnh hưởng đến quần đảo Solomon từ lâu. Sự bất ổn như vậy đã được phơi bày trong vụ bạo loạn làm rung chuyển thủ đô Honiara hồi tháng 11 năm ngoái.
Thỏa thuận an ninh gần đây có thể cho phép cảnh sát nước này đối phó tốt hơn với những xáo trộn trong nước và mở ra cánh cửa cho Trung Quốc cử một đội quân gìn giữ hòa bình đa quốc gia tới để vãn hồi trật tự. Song, động thái của quần đảo Solomon cũng giống như một tín hiệu cho các cường quốc ở Thái Bình Dương và những đối tác mới.
Thỏa thuận này có khả năng buộc các bên có vai trò chủ chốt ở Thái Bình Dương xem lại các chương trình hỗ trợ phát triển và chính sách về biến đổi khí hậu, đồng thời tái cam kết đối với một khu vực lâu nay bị coi là vùng nước khuất ngoại vi.
Nếu quần đảo Solomon thành công trong việc đánh đổi đối tác này lấy đối tác khác để giành được nhiều nhượng bộ nhất, những đối tác khác ở châu Đại Dương có thể sẽ học theo. Hiện có các dấu hiệu cho thấy nỗ lực của Bắc Kinh có thể được đền đáp.
Khó khăn phía trước
Đầu năm nay, Mỹ công bố kế hoạch mở lại Đại sứ quán tại quần đảo Solomon sau 29 năm. Ngoài ra, tập đoàn Thách thức thiên niên kỷ (MCC) sẽ xúc tiến các dự án trị giá 20 triệu USD để hỗ trợ ngành lâm nghiệp và du lịch của đất nước.
Tuy nhiên, cũng có những phản ứng mạnh mẽ từ Mỹ, Australia, New Zealand và Nhật đối với thỏa thuận an ninh Trung Quốc - Solomon. Canberra gọi viễn cảnh về một căn cứ hải quân gần đó của Trung Quốc là “lằn ranh đỏ”. Vấn đề này đã trở thành chủ đề chính sách đối ngoại và an ninh nổi bật trong cuộc bầu cử liên bang ngày 21/5.
Washington thì nhấn mạnh đến những tác động tiềm tàng của thỏa thuận trong khu vực, tuyên bố sẽ không loại trừ hành động quân sự nếu thỏa thuận đó mở đường cho một căn cứ hoặc khả năng bành trướng sức mạnh của Bắc Kinh.
Về phần mình, Wellington đặt câu hỏi về động cơ đằng sau thỏa thuận trong bối cảnh cả Australia và New Zealand đều đáp ứng các yêu cầu an ninh của Solomon, như cử lực lượng gìn giữ hòa bình tới quần đảo trong những lần hỗn loạn năm ngoái ở Honiara.
Đáng ngạc nhiên là, bất chấp khoảng cách gần của Solomon với vùng lãnh thổ hải ngoại ở New Caledonia, Pháp vẫn chưa đưa ra quan điểm. Bất cứ ai cũng có thể đoán sự im lặng đó có thể vì sự bận tâm của Paris với các cuộc bầu cử trong nước gần đây hoặc cảm giác bị tổn thương kéo dài vì bị gạt ra bên lề thỏa thuận liên minh quân sự mới AUKUS giữa Australia, Mỹ và Anh.
Ồn ào do thỏa thuận tạo ra cho thấy những khó khăn phía trước đối với mong muốn của Trung Quốc trong việc đảm bảo quyền tiếp cận chiến lược ở những nơi khác tại Thái Bình Dương.
Căng thẳng với Nhật, quan hệ đang ngày càng xấu đi với Australia, sự đối đầu dai dẳng với Mỹ cùng những bất đồng về cuộc chiến của Nga ở Ukraine đang phức tạp hóa các tham vọng hàng hải rộng lớn hơn của Bắc Kinh. Sự náo loạn cũng có thể gây hiệu ứng ớn lạnh cho các quốc gia khác đang chú ý đến thỏa thuận với Trung Quốc vì áp lực trong nước và quốc tế dự kiến sẽ tăng cao.
Quỳnh Anh