Ngày 8/4, trong khuôn khổ Lễ hội văn hóa truyền thống 2019, tại Hoàng thành Thăng Long đã diễn ra buổi tọa đàm giữa những nhà nghiên cứu tín ngưỡng và những người thực hành tín ngưỡng với chủ đề “Thờ Mẫu Tứ Phủ - Thần điện và nghi lễ”.

Buổi tọa đàm tập trung giới thiệu không gian thần điện với nghệ thuật điêu khắc riêng của tín ngưỡng cùng hệ thống tượng thần, hoàng phi, câu đối, hương án.... được làm từ bàn tay của những nghệ nhân nổi tiếng. Những bộ trang phục khăn chầu áo ngự tiêu biểu với hình thức thể hiện vừa trang trọng vừa sinh động cũng được giới thiệu tại buổi toạ đàm.

{keywords}
Tín ngưỡng thờ Mẫu chủ yếu được lưu truyền trong dân gian và được lưu giữ bởi những người thực hành tín ngưỡng.

 

Với phần trưng bày này, người xem vừa có thể cảm nhận được không gian của một thần điện, vừa được chiêm ngưỡng, ngắm nhìn những sản phẩm nghệ thuật phục vụ cho tín ngưỡng, và được các chuyên gia chia sẻ về những giá trị của tín ngưỡng. Với mong muốn đóng góp một phần công sức nhỏ bé cho công cuộc bảo tồn văn hóa bản địa.

Theo Ths Trần Quang Dũng, Phó Chủ tịch Hội Di sản Thăng Long, thờ điện vừa mang tính chất gia đình vừa mang tính chất cung đình, đầm ấm nhưng trang nghiêm. Sự gần gũi của thần điện tạo cho các tín đồ thấy được sự gần gũi ấm áp nhưng cũng tôn nghiêm khi tiếp cận với tín ngưỡng thờ Mẫu.

TS Nguyễn Ngọc Mai, Viện nghiên cứu Tôn giáo giải thích lại lịch sử của khăn chầu áo ngự và quá trình phát triển, thay đổi của trang phục trong nghi lễ lên đồng. Bà khẳng định rằng nhờ có trang phục mà lên đồng vẫn giữ được giá trị của nó cho đến tận bây giờ. Dùng trang phục để đưa thánh thần về với cuộc đời thật là một điều hết sức nhân văn của lên đồng. Nhưng cần sáng tạo để gìn giữ nó và lưu truyền cho thế hệ sau.

Cũng trong chương trình Đại đức Thích Thanh Tuấn đã có bài tham luận về mối quan hệ giữa Đạo Phật và Tín ngưỡng thờ mẫu, và các nghi lễ cơ bản trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Đại đức cho rằng Phật giáo đã có những biến chuyển tích cực khi hoà nhập vào tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu đã, đang và sẽ trở thành một thực thể thống nhất.

Ở một góc độ khác bà Đàm Lan- Chủ nhiệm dự án phim Mẹ Việt – Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt khẳng định, đây là một chương trình giới thiệu tương đối tổng thể về tín ngưỡng bằng hình thức trực quan, trong không gian triển lãm vừa có thể cảm nhận được không gian của một thần điện, vừa được chiêm ngưỡng, ngắm nhìn những sản phẩm nghệ thuật phục vụ cho tín ngưỡng và được các chuyên gia chia sẻ về những giá trị của tín ngưỡng và những loại hình nghệ thuật ẩn chứa trong tín ngưỡng.

Công chúng sẽ vừa được nghe, được nhìn và được giải đáp thắc mắc về Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt với mong muốn đóng góp cho công cuộc bảo tồn văn hóa bản địa.

Tình Lê