"Chính quyền thân thiện, nhân dân phát huy quyền làm chủ" là tên mô hình điểm được UBND tỉnh Thái Nguyên triển khai theo Kế hoạch số 138/KH-UBND ngày 24/7/2024. Mặc dù được thực hiện chưa lâu nhưng mô hình này đã cho thấy hiệu quả thiết thực, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của chính quyền cơ sở trong việc xây dựng nền hành chính phục vụ, thân thiện, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. Điểm quan trọng nữa là mô hình nhằm bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của xã Tiên Hội (Đại Từ). |
Với chị Lưu Thị Mai Hương và anh Dương Lê Hùng, ở xóm Tân Mỹ 1, xã Tân Quang (TP. Sông Công), việc tổ chức đám cưới vào cuối năm 2024 vừa qua có nhiều điều đặc biệt. Trước khi hôn lễ diễn ra, anh chị rất bất ngờ khi được mời lên trụ sở UBND xã để lãnh đạo địa phương tổ chức trao giấy đăng ký kết hôn và gửi những lời chúc tốt đẹp trước khi đôi uyên ương về chung một nhà.
Chị Lưu Thị Mai Hương phấn khởi cho biết: Tôi rất ngạc nhiên, vui sướng khi Lễ trao giấy kết hôn cho hai vợ chồng được tổ chức trang trọng với sự tham gia của lãnh đạo và nhiều cán bộ xã. Việc làm của chính quyền địa phương tuy nhỏ nhưng tạo cảm giác thân tình, gần gũi với người dân chúng tôi...
Cũng tại xã Tân Quang, thời gian qua, lãnh đạo địa phương đã tổ chức trao nhiều giấy đăng ký kết hôn, giấy đăng ký khai sinh ngay tại trụ sở UBND xã. Ngoài ra, khi gia đình nào có người thân qua đời, chính quyền xã đều đến hỏi thăm, chia buồn.
Cùng với xã Tân Quang, 11 đơn vị cấp xã thuộc 3 thành phố: Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên và huyện Định Hóa đã được tỉnh lựa chọn điểm để triển khai mô hình nêu trên từ giữa năm 2024.
Cụ thể, để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng “Chính quyền thân thiện”, các xã, phường, thị trấn sẽ tập trung vào 7 nhóm nhiệm vụ, gồm: Thực hiện tốt việc công khai, minh bạch; thực hiện tốt việc giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức; thực hiện tốt việc tiếp công dân và giải quyết đơn thư, phản ánh, kiến nghị của nhân dân; thực hiện tốt quy định về văn hóa công vụ; xây dựng không gian công sở xanh - sạch - đẹp - thân thiện; triển khai thường xuyên các hoạt động tiếp xúc, thăm hỏi, động viên, gần gũi nhân dân; lãnh đạo UBND cấp xã gương mẫu, thân thiện và có trách nhiệm với nhân dân.
Việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân được tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ chính, gồm: Thực hiện tốt công tác tuyên truyền Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; phát huy vai trò tham gia của nhân dân vào triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách tại địa phương; phát huy vai trò hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng.
Mô hình “Chính quyền thân thiện, nhân dân phát huy quyền làm chủ” đã tác động mạnh mẽ về tư tưởng, nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đó còn là sự đồng tình, tin tưởng, đánh giá cao của các tầng lớp nhân dân.
Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra công tác cải cách hành chính ở xã Cúc Đường (Võ Nhai). |
Một số huyện, thành dù không trong diện triển khai thực hiện mô hình điểm của tỉnh nhưng đã chủ động triển khai tại các xã, thị trấn trên địa bàn. Cụ thể, huyện Đồng Hỷ có xã Hóa Trung và xã Hòa Bình; huyện Phú Bình có thị trấn Hương Sơn và xã Hà Châu; huyện Võ Nhai có thị trấn Đình Cả; huyện Đại Từ có thị trấn Hùng Sơn và xã Tiên Hội triển khai.
Chị Bùi Thu Phương, ở tổ dân phố Liên Sơn, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), cho biết: Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của thị trấn được đầu tư trang thiết bị cần thiết, công khai số điện thoại của lãnh đạo UBND thị trấn để người dân có thể liên hệ khi cần thiết, hoặc phản ánh kịp thời khi gặp khó khăn trong quá trình giải quyết các thủ tục. Chúng tôi đến làm việc có đủ ghế ngồi, bàn viết, có quạt mát; có nước uống và có cả sách báo để đọc trong thời gian chờ đợi. Cán bộ cũng rất niềm nở, thân thiện, tạo cảm giác thoải mái cho chúng tôi khi đến giải quyết các thủ tục.
Theo đánh giá của cấp ủy, chính quyền địa phương, việc triển khai mô hình đã góp phần đẩy mạnh việc thực hiện các quy định về đạo đức công vụ, văn hóa công sở, tác phong làm việc, quy tắc ứng xử; xây dựng và thực hiện phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” trong đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị; thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại các địa phương.
Đặc biệt, mô hình còn góp phần quan trọng trong việc duy trì, cải thiện và nâng cao Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) hằng năm; góp phần xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số trên địa bàn tỉnh...
Theo kế hoạch, năm 2025, tỉnh sẽ triển khai mô hình “Chính quyền thân thiện, nhân dân phát huy quyền làm chủ” tại 100% xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Kết quả triển khai Bộ chỉ số chỉ đạo điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử trên Cổng dịch vụ công quốc gia của tỉnh Thái Nguyên: Chỉ số công khai, minh bạch trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công của tỉnh đạt 12,3/18 điểm; giải quyết TTHC đạt 19,1/20 điểm; chỉ số dịch vụ công trực tuyến đạt 7,4/12 điểm; chỉ số thanh toán trực tuyến đạt 9,8/10 điểm; số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt 17,8/22 điểm.
Theo Thu Huyền (Báo Thái Nguyên)