Chuyển đổi số được TP Hạ Long xác định dựa trên 3 trụ cột chính: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đối với chính quyền số, thời gian qua thành phố đã đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, như số hoá dữ liệu hồ sơ TTHC; đẩy mạnh tiếp nhận và trả kết quả TTHC theo quy trình "5 bước trên môi trường điện tử"; tuyên truyền, hướng dẫn người dân lập tài khoản và cách nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Trung tâm Hành chính công thành phố đã thực hiện số hóa kết quả giải quyết 24.953 hồ sơ, đạt 99,5% tổng số hồ sơ đã giải quyết. Tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã đã số hóa kết quả giải quyết 33.363 hồ sơ, đạt 94,2% tổng số hồ sơ đã giải quyết.
Đặc biệt từ ngày 2/1/2024, thành phố đã thực hiện luân chuyển 100% hồ sơ trên môi trường điện tử giữa Chi cục Thuế thành phố và Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất. Đến nay đã ban hành được trên 7.100 thông báo thuế điện tử; đã thực hiện luân chuyển 100% hồ sơ TTHC giữa Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất và Chi cục Thuế thành phố trên môi trường điện tử.
Bên cạnh triển khai chính quyền số, kinh tế số cũng được TP Hạ Long tập trung đẩy mạnh. Tại Trung tâm Hành chính công thành phố và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã đã thực hiện giao dịch trực tuyến, thanh toán trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia; áp dụng 100% biên lai điện tử trong thu phí, lệ phí tại trung tâm.
Trong 2 năm 2022, 2023, việc thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia tại địa bàn thành phố đạt 113 tỷ đồng, chiếm 52,2% hoạt động thanh toán trực tuyến toàn tỉnh. 6 tháng đầu năm 2024, thành phố thu phí, lệ phí đạt 885 triệu đồng; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt hơn 83 tỷ đồng, chiếm 65,8% tổng số tiền thanh toán trên Cổng dịch vụ công của tỉnh.
Việc thực hiện nộp thuế điện tử trên tổng thu NSNN đạt 96%, TTHC lĩnh vực công an đạt 43%; giao dịch không dùng tiền mặt trong lĩnh vực giáo dục đạt 100%, tại các cơ sở y tế đạt 50,3%, thanh toán tiền điện, nước đạt 93,02%, lĩnh vực BHXH, BHTN đạt 58,26%, chi trả cho đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội đạt 48,12%.
TP Hạ Long cũng là địa phương đi đầu trong toàn tỉnh triển khai mô hình "Chợ 4.0". Đến nay trên địa bàn các xã, phường có 27 chợ áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt, với trên 80% hộ kinh doanh trong chợ tham gia, 100% cửa hàng tiện ích, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn thành phố thực hiện thanh toán thông qua mã QR. Trong năm 2022 và năm 2023 đã triển khai 15.411 điểm thanh toán không dùng tiền mặt, đạt 137% kế hoạch tỉnh giao.
Bên cạnh đó, thành phố đã đưa 27 sản phẩm OCOP lên sàn Voso.vn và 38 sản phẩm OCOP lên sàn Postmart, đạt 100%; 100% sản phẩm đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm được triển khai truy xuất nguồn gốc.
Để người dân tiếp cận được với ứng dụng công nghệ thông tin và hình thành xã hội số, đến nay thành phố đã lắp đặt trên 1.000 camera giao thông và 123 điểm wifi miễn phí tại các nhà văn hóa, điểm du lịch, tuyến phố... Sau một thời gian triển khai lắp đặt, sử dụng, hệ thống camera và wifi miễn phí đã đem lại hiệu quả, lợi ích thiết thực, giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin về chính trị, kinh tế, văn hóa, thể thao, du lịch và đảm bảo ANTT.
Với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, động lực của chuyển đổi số, thời gian qua 243 tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, đưa kỹ năng số đến với người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, TP Hạ Long đã có 930 trạm BTS phủ sóng viễn thông; tỷ lệ thôn, khu phố được phủ sóng mạng di động 4G trở lên đạt 99,17%, trên 99,98% người dân đã tiếp cận mạng di động 4G. Đến nay, TP Hạ Long là đơn vị đầu tiên trong toàn tỉnh triển khai thí điểm và đã thành công trong việc phát sóng 5G với 2 trạm BTS.
Những hiệu quả đem lại từ triển khai chuyển đổi số toàn diện thời gian qua là yếu tố quan trọng để TP Hạ Long xếp thứ nhất về chỉ số mức độ chuyển đổi số (DTI) năm 2023, góp phần phát triển nhanh, bền vững, đặc biệt là đem lại cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc hơn cho người dân.
Theo Ngọc Trâm (Báo Quảng Ninh)