Hội nghị trực tuyến với 14 xã, thị trấn đánh giá kết quả hoạt động Chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2024.

Xác định hạ tầng số là nền tảng quan trọng quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số, UBND huyện đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai song song, đồng bộ hạ tầng số với các hạ tầng khác như giao thông, điện, chiếu sáng, công trình ngầm. Các doanh nghiệp phối hợp phát triển hạ tầng số theo nguyên tắc dùng chung, chia sẻ…

Đến nay, số lượng máy tính của các phòng chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân huyện là 75 máy tính, trong đó có 41 máy bàn, 34 máy tính xách tay, có 65 máy tính được cài phần mềm diệt virus bản quyền. Số lượng máy tính của các đơn vị sự nghiệp là 45 máy tính, trong đó có 20 máy tính xách tay, 25 máy bàn, có 39 máy được cài phần mềm virus bản quyền.

Hệ thống thiết bị mạng đang triển khai tại Ủy ban nhân dân huyện, gồm: thiết bị truyền tín hiệu mạng, thiết bị kết nối mạng. Các phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; phần mềm thư điện tử; phần mềm một cửa điện tử triển khai đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, trang thông tin điện tử đơn vị đang vận hành hoạt động ổn định.

Cùng với đó, huyện Chợ Mới luôn quan tâm đến nhân lực có trình độ chuyên môn cao để thực hiện chuyển đổi số. Uỷ ban nhân dân huyện đã bố trí 02 công chức có trình độ Đại học công nghệ thông tin làm việc tại Văn phòng HĐND&UBND huyện, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện để tham mưu, phụ trách về Công nghệ thông tin và các nội dung về Chuyển đổi số.

Cử công chức tham mưu chuyên trách về CĐS tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn do tỉnh tổ chức. Đến nay, đã có 14/14 tổ CNSCĐ cấp xã và 153/153 tổ CNSCĐ cấp thôn được thành lập với 187 thành viên cấp xã và 675 thành viên cấp thôn. Lực lượng này thường xuyên tham gia các khoá bồi dưỡng để không ngừng nâng cao kiến thức về Chuyển đổi số.

Tổ CNSCĐ cấp xã hướng dẫn người dân theo phương châm“đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người”

Công tác an toàn, an ninh mạng được chú trọng. Ủy ban nhân dân huyện thường xuyên triển khai Văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc việc sử dụng các ứng dụng, dịch vụ CNTT và việc quản lý các tài khoản được cấp cho cá nhân, tổ chức bảo đảm theo quy định. Hằng năm, đơn vị cử cán bộ phụ trách CNTT tham gia đầy đủ các lớp tuấn huấn về nâng cao năng lực, kỹ năng CNTT đảm bảo sự hoạt động ổn định và ATTT mạng của đơn vị.

Hồ sơ đề xuất cấp độ ATTT huyện Chợ Mới đã được phê duyệt, hiện đang thực hiện triển khai các phương án đảm bảo ATTT cho hệ thống. Chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục lập hồ sơ đề xuất cấp độ ATTT gửi Sở Thông tin và Truyền thông phê duyệt.

Xây dựng chính quyền số là một trong những mục tiêu quan trọng mà huyện Chợ Mới hướng tới. Hiện nay, huyện đã và đang xây dựng, phát triển chính quyền số nhằm tận dụng những bước tiến của công nghệ, thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH. 100% cán bộ, công chức các phòng chuyên môn và đơn vị sự nghiệp thuộc Uỷ ban nhân dân huyện sử dụng tương đối tốt các phần mềm Quản lý văn bản và điều hành I-Office, chữ ký số chuyên dùng, thư điện tử công vụ.

Ứng dụng có hiệu quả phần mềm ký số văn bản tích hợp trong hệ thống phần mềm mềm Quản lý văn bản và điều hành I-Office để điều hành và giải quyết công việc trên môi trường mạng, đảm bảo các văn bản được trao đổi dưới dạng điện tử được ký số theo quy định (trừ các văn bản mật). Tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ trên môi trường mạng đạt tỷ lệ 100%.

Đến thời điểm hiện tại đơn vị đã được trang bị đầy đủ chứng thư số chuyên dùng cho tổ chức và cá nhân có quyền ký ban hành văn bản và các công chức chuyên môn của Bộ phận tiếp nhận và giải quyết TTHC. Hiện nay hệ thống Hội nghị truyền hình họp trực tuyến được kết nối xuyên suốt từ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh và Trung ương. Từ đầu năm đến nay, tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến đạt 78,7%. Việc thực hiện chế độ báo cáo tại hệ thống tin báo của tỉnh luôn đảm bảo đúng chất lượng và tiến độ theo quy định, không để tình trạng trễ hạn xảy ra.

Lĩnh vực kinh tế số có nhiều chuyển biến tích cực. Các ngân hàng thương mại trên địa bàn huyện đã triển khai đồng bộ, phát triển các sản phẩm thanh toán mới với công nghệ ngân hàng số, công nghệ định danh và nhận biết khách hàng điện tử như xác thực sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt); thanh toán trên nền mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hóa thông tin thẻ, thanh toán phi tiếp xúc... thực hiện việc chuyển thông tin khách hàng từ sử dụng CMND sang thẻ CCCD.

Huyện đã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với các doanh nghiệp (Viettel Bắc Kạn, VNPT Bắc Kạn, Bưu điện Chợ Mới) hướng dẫn công chức, viên chức cấp xã, thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, đại diện các hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh cách tạo tài khoản và đăng ký gian hàng trực tuyến để giao dịch, mua bán hàng trên sàn thương mại điện tử Posmart.vn, Voso.vn, cách tạo tài khoản ví điện tử của Viettel, VNPT, Mobiphone điển hình có HTX Nông Nghiệp Bản Mộc (xã Yên Hân), HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố...

Tính đến ngày 15/6/2024, toàn huyện đã thu nhận: 38.326 hồ sơ CCCD, đã truyền dữ liệu về Cục C06: 38.326 hồ sơ đạt: 100%; tổng số thẻ đã tiếp nhận từ C06: 35.652 thẻ CCCD, đã trả thẻ cho công dân: 35.600/35.652, đạt 99,8%, còn tồn 52 thẻ chưa trả do Thẻ mới nhận về.  Toàn huyện đã tiếp nhận: 24.391 hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử (Mức 1 + Mức 2); đã kích hoạt thành công cho công dân sử dụng đạt 21.310 hồ sơ (cả mức 1 và mức 2), đạt 87,4%.

Đối với việc triển khai thí điểm khám bệnh, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp, sau khi Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Kạn ban hành Văn bản số 457/BHXH-GĐBHYT ngày 02/8/2022 về chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với cơ sở khám chữa bệnh bằng BHYT đẩy mạnh triển khai sử dụng CCCD gắn chip trong khám chữa bệnh bằng BHYT, kết quả thực hiện: Tổng số lượt khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD thay thế thẻ BHYT thành công: 19.126/21.949 lượt đạt 87,1%, không thành công 2.823 lượt.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song theo đánh giá của UBND huyện, từ thực tiễn triển khai trên địa bàn vẫn còn gặp một số vướng mắc, bất cập. Đó là các đơn vị chưa có nhân lực được đào tạo về ATTT mạng, do đó chưa chủ động trong việc theo dõi, phòng ngừa, phát hiện các nguy cơ mất ATTT. Nhận thức về đảm bảo ATTT của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đầy đủ, còn chủ quan, thiếu kỹ năng và kiến thức trong việc bảo đảm ATTT.

Việc xây dựng hồ sơ đề xuất cấp độ ATTT của một số đơn vị, địa phương còn lúng túng, chưa đáp ứng yêu cầu; hồ sơ đề xuất cấp độ của các đơn vị chưa đảm bảo yêu cầu nên chưa được phê duyệt. Thanh toán không dùng tiền mặt vẫn phát sinh chi phí giao dịch, tuy nhiên theo thói quen nên đa số người dân vẫn ưu tiên sử dụng và thanh toán bằng tiền mặt. Hoạt động các Tổ công nghệ số cộng đồng chưa thực chất, chưa hiệu quả.

Nguyên nhân do các thành viên hoạt động kiêm nhiệm, một số chưa có kinh nghiệm, chưa thực sự tâm huyết và lúng túng trong triển khai nhiệm vụ; Thành viên của các tổ công nghệ số cộng đồng chưa được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về các kỹ năng công nghệ thông tin điều này cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai chuyển đổi số; chưa có chính sách khuyến khích các tổ công nghệ số cộng đồng hoạt động hiệu quả; Kinh phí hỗ trợ hoạt động chuyển đổi số của cấp huyện, cấp xã còn ít... rất cần sự tiếp tục quan tâm, tháo gỡ từ các cấp, ngành để công tác chuyển đổi số của huyện Chợ Mới trong những tháng cuối năm 2024 đạt kết quả tốt hơn, góp phần vào sự thành công của công cuộc chuyển đổi số của tỉnh Bắc Kạn.

 Theo TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH BẮC KẠN