Ông Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm, động viên cán bộ, nhân viên tại Bộ phận "một cửa" xã Côn Minh. |
Cơ hội rút ngắn khoảng cách phát triển
Nhà có cửa hàng tạp hóa, mỗi ngày bà Nguyễn Thị Oanh giao dịch với hàng trăm khách hàng nên đôi lúc không tránh khỏi nhầm lẫn, tiền giả, tiền rách. Tình trạng đó đã được khắc phục kể từ khi xã triển khai mô hình Chợ 4.0 và tổ chức Ngày hội Chuyển đổi số, bà Oanh và nhiều tiểu thương cũng như người dân Côn Minh được hướng dẫn cài đặt, sử dụng các ứng dụng, trải nghiệm các tiện ích liên quan đến chuyển đổi số.
Chuyển đổi số sẽ giúp người dân Côn Minh rút ngắn khoảng cách phát triển. |
Bà Oanh cho biết: “Nhiều tuổi nên bản thân tôi cũng chậm tiếp thu công nghệ. Nhưng khi được cán bộ xã, con cháu hướng dẫn cài đặt, sử dụng một số ứng dụng tôi thấy có nhiều cái hay, tiện dụng trong việc buôn bán, sinh hoạt”.
Sau một tháng rưỡi được hỗ trợ điện thoại từ Chương trình hỗ trợ điện thoại thông minh cho người dân 08 xã, phường thực hiện thí điểm chuyển đổi số, chị Vi Thị Kiểm ở thôn Bản Cào đã dần quen với các tính năng và một số ứng dụng được cài sẵn trên điện thoại.
Không chỉ xem Facebook, chị Kiểm cũng bắt đầu biết tìm đọc tin tức, trao đổi thông tin qua ứng dụng mạng xã hội với người thân và một số bà con trong thôn.
Côn Minh được coi là “thủ phủ” trồng dong riềng và sản xuất miến dong của huyện Na Rì. Đến nay, toàn xã có gần 20 cơ sở chế biến tinh bột dong riềng và sản xuất miến dong, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Trung bình mỗi vụ, toàn xã sản xuất được gần 1.000 tấn miến, thu về khoảng 50 tỷ đồng.
Nhờ bán hàng qua mạng xã hội và sàn thương mại điện tử, sản phẩm miến dong Côn Minh ngày được nhiều người tiêu dùng biết đến. Việc xã thực hiện chuyển đổi số sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho các HTX trong mở rộng thị trường và tiếp cận khách hàng.
Chủ tịch UBND xã Côn Minh Sằm Văn Thường nhận định: Nếu thực hiện thành công chuyển đổi số sẽ mang đến cơ hội phát triển nhanh hơn cho người dân, HTX trên địa bàn nhờ rút ngắn khoảng cách địa lý với các vùng miền.
Người dân xã Côn Minh được hỗ trợ làm tài khoản định danh điện tử. |
Khắc phục khó khăn, phấn đấu thực hiện thành công chuyển đổi số
Được chọn làm xã điểm thực hiện chuyển đổi số là thời cơ, song cũng đặt ra những thách thức, khó khăn đòi hỏi sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương. Xã Côn Minh có 14 thôn, trong đó còn 03 thôn (Lủng Pảng, Lủng Vai, Áng Hin) sóng điện thoại còn yếu hoặc chưa có trạm tiếp sóng.
Trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử, người dân trở thành trung tâm trong quá trình các cơ quan chính quyền cung cấp thông tin và dịch vụ. Nhưng để tiếp nhận được thông tin, dịch vụ công thông qua môi trường mạng đòi hỏi mỗi người dân cần có những phương tiện, thiết bị hiện đại kết nối internet và cả thói quen, kỹ năng sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ công ích.
Điều này có nghĩa, kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin có đồng bộ, hiện đại đến đâu nhưng người dân, doanh nghiệp không biết, không sử dụng các tiện ích dịch vụ công thì cũng không thể xây dựng chính quyền điện tử.
Đến nay, xã Côn Minh vẫn còn 104 hộ dân chưa có điện thoại thông minh kết nối internet, trong khi đó trình độ nhận thức, hiểu biết, kỹ năng sử dụng dịch vụ công trực tuyến của nhiều người dân còn thấp.
Dù còn một số khó khăn cần tháo gỡ, nhưng Bí thư Đảng ủy xã Côn Minh, đồng chí Nông Thị Sen vẫn khẳng định quyết tâm: “Chuyển đổi số là quá trình lâu dài, khó khăn nhưng cũng mang lại cơ hội phát triển mới cho địa phương.
Vì vậy, chúng tôi sẽ nỗ lực thực hiện chuyển đổi số theo lộ trình với giải pháp cụ thể. Về hạ tầng công nghệ thông tin, địa phương tiếp tục tận dụng nguồn lực hỗ trợ của tỉnh và huyện.
Để thay đổi nhận thức, kỹ năng, thói quen của người dân, xã đã tổ chức Ngày hội chuyển đổi số thu hút sự tham gia của hơn 400 người. Cùng với đó, xã sẽ phát huy hơn nữa vai trò của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là Tổ công nghệ số cộng đồng”.
Theo Xuân Nghiệp (Báo Bắc Kạn)