Dưới đây là diễn văn của thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) tại lễ khai giảng năm học 2022-2023 vừa diễn ra:

“Ơi từng áng mây bay
Ơi từng dòng sông nắng toả
Có trôi về nơi đâu
Xin nhắn với ai đôi câu…”

Nhắn rằng:

Mới đó mà đã 30 năm! Mùa thu năm 1992, là cậu học trò lớp 6 bé nhất trường, nay là người đàn ông trưởng thành 41 tuổi, dắt con vào lớp 1 Marie Curie, nơi bố để lại tuổi thơ… đẹp như một giấc mơ!

Thuở ấy, ta cùng các ngươi sinh ra giữa thành Hà Nội. Lớn lên học ở Marie Curie. Ô tô đón đưa dọc khắp phố phường. Các thầy, các cô chăm từng giấc ngủ. Tuổi đang còn ít, lòng ham khôn cùng.

Các ngươi học cùng ta đã lâu ngày, không có nháp thì ta cho giấy, không muốn cơm ta cho mỳ tôm, ngày nóng ta khuyên tắm, ngày rét ta nhường chăn, đi học ta chung ô tô, đi chơi ta lai xe đạp, lúc tán chuyện vui đùa thì cùng cười vỡ bụng, lúc kiểm tra học kỳ quyết không ngó bài nhau…

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) tại lễ khai giảng năm học mới.

Ta khuyên các ngươi:

Làm học sinh trường này mà học kém thì phải biết tức, nghe các bạn được khen thì phải biết đua. Đừng lấy việc đánh bài làm tiêu khiển, hoặc lấy việc khích nhau làm chuyện vui đùa. Hoặc vui thú kẹo cao su, hoặc quyến luyến bỏng ngô, hoặc thích ô mai, hoặc mê bánh rán…, lo ăn quà mà quên giải toán, ham đánh bóng mà trốn vẽ bản đồ.

Nếu ngày mai đi thi thì mẹo đánh bài không giải được bài Lý, trò khích nhau không dịch nổi Anh văn. Kẹo cao su không thể an ủi mẹ cha, bỏng ngô ngon không thể vui lòng cô giáo. Nước mắt chảy dài, miệng kêu ân hận, phỏng có kịp không?

Ta khuyên các ngươi:

Hãy lấy câu “Học càng nhiều càng ít” để tự răn mình. Lấy câu “Biển học vô bờ” làm điều nhắc nhủ. Phải dùi mài Toán, Văn, Lý, Sử… để lớp ta, trường ta, người người đều giỏi, ai cũng lấy được bằng son. Tình bạn càng thêm thắm thiết. Lưu bút có nhiều điều để ghi.

Thuở ấy, vật chất tuy không dồi dào nhưng tình người thì giàu vô tận. Tình thầy trò, tình bạn bè, tình cảm của phụ huynh với nhà trường… đong đầy, ngất ngây. Các thế hệ học sinh Marie Curie nối tiếp nhau trưởng thành, đi đâu cũng tự hào về ngôi trường tuổi thơ thân thương.

Xã hội phát triển, cuộc sống đầy đủ, sung túc hơn; thầy trò Marie Curie có điều kiện thuận lợi để giúp đỡ những hoàn cảnh đang thiếu thốn, khó khăn.

Những năm 1996, 2010 và 2020, bão lụt đã cuốn đi và nhấn chìm hàng vạn ngôi nhà, hàng trăm trường học ở miền Trung. Đồng bào miền Trung gian lao mà anh dũng. Những chuyến xe đầy ắp áo quần, sách vở, bút mực, gạo, tiền… của thầy trò Marie Curie đã kịp đến với đồng bào Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Thầy trò miền Trung gặp thầy trò Hà Nội mừng mừng, tủi tủi. Bão lũ có thể cuốn đi nhiều thứ nhưng tình người thì còn mãi với non sông!

Nối vòng tay lớn đến tận miền Tây Nam Bộ. Thầy trò Marie Curie chủ động góp tiền xây hai cây cầu: “Cầu 7 Khao” và “Cầu Kinh Ông Huyện” ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Trẻ con đi học, người lớn đi làm trên những cây cầu xi măng, cốt thép rộng rãi và vững chắc, thay cho những cây “cầu khỉ” ọp ẹp, chênh vênh…

Năm 2021, hưởng ứng đề án “Một tỷ cây xanh” do Thủ tướng Chính phủ phát động, thầy trò trường Marie Curie đã chung tay với bà con xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang trồng được 2 vạn cây Sa Mộc. Năm tới sẽ tiếp tục trồng 2-3 vạn cây nữa để có “Khu rừng Marie Curie” ở biên cương Tổ quốc, góp phần giữ đất, giữ nước.

Tháng 8 vừa qua, hàng trăm bộ sách giáo khoa, hàng vạn cuốn sách truyện đã đến với học sinh Mèo Vạc trước thềm năm học mới. Chương trình “Sách cho em” của học sinh Marie Curie sẽ giúp các bạn học sinh miền núi không còn “đói con chữ”…

Hai năm vừa qua, các cô bé, cậu bé trường này từng bớt từ vài chục nghìn ăn sáng cho đến đập lợn đất để có ba, bốn mươi triệu đồng gửi tới các bác sỹ, các cô chú bộ đội, công an trên tuyến đầu chống dịch, góp phần đẩy lùi đại dịch Covid-19. Phụ huynh cùng con chế biến bánh mỳ, cùng con mua gạo, mua trứng… ủng hộ bà con gặp khó khăn khỏi việc đứt bữa.

Những bài học về tình người của thầy cô, những lời căn dặn về lòng nhân ái của bố mẹ đã lớn lên cùng chúng tôi, các thế hệ học sinh Marie Curie. “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”.

NHÂN ÁI!

Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy

Ta có thêm một ngày mới để yêu thương.

Xin trân trọng cảm ơn!