Hiện nay, Bộ GD-ĐT có quy định không cho phép giáo viên thuộc các trường công lập tham gia quản lý, điều hành, tổ chức việc dạy thêm. Song thực tế, câu chuyện dạy thêm, học thêm dưới nhiều hình thức diễn ra không hiếm. 

Theo Thông tư 29/2024/TT-BGDDT Bộ GD-ĐT vừa ban hành, các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm gồm:

- Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống.

- Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh mình đang được phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

- Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài trường.

Trao đổi với VietNamNet, nhiều hiệu trưởng cho rằng dù có quy định như vậy, song trên thực tế, để kiểm soát việc giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường không dễ.

Ông Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) cho hay, Điều 13 của Thông tư 29 có 2 nội dung nói về trách nhiệm của hiệu trưởng liên quan đến việc giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường: Quản lý và phối hợp theo dõi, kiểm tra khi giáo viên đang dạy học tại trường tham gia dạy thêm ngoài trường.

“Bài toán đặt ra cho hiệu trưởng là quản lý giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường như thế nào khi chúng tôi không còn được quyền cấp phép hay chủ động kiểm tra mà chỉ tham gia phối hợp.

Như vậy thẩm quyền của hiệu trưởng có lẽ cũng chỉ tuyên truyền, cùng lắm cho giáo viên ký cam kết; khi giáo viên bị các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra phát hiện có sai phạm thì lúc đó hiệu trưởng mới xử lý theo quy định”, ông Tuấn Anh nói.

W-giao-vien-88-1.jpg
Ảnh minh họa: Thanh Hùng.

Ông Tuấn Anh cũng cho rằng, thực tế không dễ để hiệu trưởng kiểm soát. “Không phải chỉ khi thông tư mới này được ban hành, mà kể cả giai đoạn Thông tư 17 (sắp được thay thế bằng Thông tư 29) có hiệu lực đến nay, chưa có trường hợp nào hiệu trưởng phát hiện giáo viên vi phạm dạy thêm ở ngoài trường, dù việc này diễn ra tràn lan. Điều này có lẽ đến từ 2 nguyên nhân. Một mặt, hiệu trưởng không có thẩm quyền đi kiểm tra giáo viên dạy ở ngoài trường, có chăng chỉ phối hợp với các cơ quan chức năng khi được mời tham gia. Mặt khác có lẽ hiệu trưởng cũng không muốn giáo viên trong trường mình sai phạm. Chưa kể, ngay cả giáo viên dạy trái quy định ở ngoài trường, hiệu trưởng cũng không dễ gì kiểm tra được”, ông Tuấn Anh nói.

Hiệu trưởng một trường THCS có tiếng ở Hà Nội cho hay, việc phòng ngừa, ngăn chặn, thậm chí triệt tiêu những tiêu cực liên quan đến dạy thêm trái quy định là điều ngành giáo dục rất nên làm. Bởi việc phụ huynh không muốn con mình phải đi học thêm một cách cưỡng ép hay bị thầy cô gợi ý học thêm, là chính đáng. 

Tuy nhiên, theo vị này, cần xem xét trường hợp học thêm tự nguyện. “Có ‘cầu’ đích thực thì ắt có ‘cung’, đó là quy luật của thị trường. Nhu cầu được học thêm để mở mang, thu nạp, phát triển kiến thức thực sự lớn hơn rất nhiều so với chúng ta nghĩ. Ví dụ như học sinh ở Hà Nội có nhu cầu học thêm để ôn thi cuối cấp vào lớp 10...”, vị này nói.

“Theo tôi nghĩ, cần cấm nghiêm việc dạy thêm có động cơ, biểu hiện của sự ép buộc; nhưng ngược lại các thông tư, văn bản cũng phải cởi mở, minh bạch để đáp ứng nhu cầu thực và chính đáng”. 

Vị hiệu trưởng cho hay, sau khi Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm, bà đã gửi cho tất cả giáo viên toàn trường được biết và phổ biến qua các cuộc họp hội đồng sư phạm. Tuy nhiên, theo bà, với quy định hiện nay, hiệu trưởng như mất quyền kiểm soát.

“Chúng tôi chỉ biết phổ biến, cập nhật thông tư và tổ chức giáo dục chính trị tư tưởng cho giáo viên. Còn khi ở ngoài nhà trường, giáo viên làm sai phải chịu trách nhiệm, chứ hiệu trưởng không có thẩm quyền để đi giám sát, kiểm tra, kiểm soát. Trước đây giáo viên muốn tham gia dạy thêm ngoài trường phải được sự cho phép của hiệu trưởng, nhưng giờ đây chỉ cần báo cáo. Việc này cũng gây khó trong việc kiểm soát giáo viên hơn”, vị này nói.

Để quản lý việc giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường, ông Nguyễn Như Tùng, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) cho hay quận này đang lên dự thảo kế hoạch thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm cả công an quận và đại diện các phường. Theo đó, đoàn sẽ kiểm tra các trung tâm đăng ký tổ chức dạy thêm, cơ sở cho thuê địa điểm để dạy thêm,... xem giáo viên có thực hiện đúng các quy định (như không dạy học sinh mình đang dạy chính khóa,...).

Theo ông Tùng, việc kiểm tra cũng sẽ được triển khai khi cơ quan này tiếp nhận phản ánh từ phụ huynh, người dân...

Năm ngoái, Phòng GD-ĐT quận Ba Đình có công văn chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định ở các trường học trên địa bàn. Cụ thể, Phòng đề nghị hiệu trưởng các trường thực hiện, tuyên truyền văn bản chỉ đạo về công tác dạy thêm, học thêm đến toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh. Cùng đó, yêu cầu các trường tổ chức cho cán bộ, giáo viên ký cam kết không tổ chức dạy thêm trái quy định, chỉ tham gia dạy thêm khi được sự đồng ý của hiệu trưởng.

Phòng GD-ĐT này cũng yêu cầu xử lý, kiểm điểm trường hợp dạy thêm tại các cơ sở chưa được cấp phép hoặc không báo cáo và được hiệu trưởng đồng ý; đồng thời yêu cầu hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm trước Phòng về các vi phạm. Trường nào có cán bộ, giáo viên vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm không được xét danh hiệu thi đua trong năm học. 

infohocthem.jpg
Giáo viên đang dạy thêm nhiều thế nào?

Giáo viên đang dạy thêm nhiều thế nào?

Từ 14/2, thông tư mới về dạy thêm của Bộ GD-ĐT có hiệu lực, có thể tác động đáng kể tới thực trạng dạy thêm hiện nay. Khảo sát trong năm 2024 cho thấy, cứ 10 giáo viên thì có 4 người dạy thêm, với số thời gian cao nhất là gần 15 giờ/tuần ở bậc THPT.