Những lối đi chưa tới 1m cắt ngang, cắt dọc giữa các dãy nhà nhỏ tại khu dân cư Cầu Ông Lãnh (quận 1, TPHCM) hàng chục năm qua vẫn trong tình trạng thiếu ánh sáng. Xung quanh đó, nhiều đồ đạc của các hộ dân được kê san sát.
Khu dân cư Cầu Ông Lãnh (hay còn gọi là khu chợ Gà - chợ Gạo ngày trước) ở vị trí đắc địa giữa 3 con đường Yersin - Võ Văn Kiệt- Nguyễn Thái Học. Nằm sâu trong các con hẻm chật hẹp là những ngôi nhà với diện tích nhỏ bé đến bất ngờ, chỉ từ 2,5-5m².
Trong căn nhà "hộp diêm" rộng chừng 4m², bà Lê Thị Kim Thoa (72 tuổi) chẳng có đủ diện tích để duỗi chân nằm vì đồ đạc, cầu thang sắt đã chiếm quá nửa diện tích. Do bị khớp, bà Thoa cũng không thể leo cầu thang, tình trạng bệnh càng nặng thêm. Phải nằm co người, những giấc ngủ cũng vì thế chưa bao giờ được thoải mái với người phụ nữ lớn tuổi.
Gia đình bà Trần Kim Hoàng (69 tuổi) có 6 người cùng chung sống trong căn nhà chưa tới 6m² có tầng trệt và gác lửng. Ban ngày mọi người đi làm hết, ban đêm về ngủ thì 3 người ngủ ở gác lửng, tầng trệt không đủ cho 3 người nên phải kê thêm một chiếc giường gấp ngay lối đi trước nhà.
Đối diện đó là căn bếp ngoài trời đơn giản với kệ tủ, nồi niêu xoong chảo được xếp chồng lên nhau. "Do bên trong nhà chật hẹp, tôi phải dùng cả không gian bên ngoài để chứa đồ", bà Hoàng nói.
Lối đi nhỏ chật hẹp trước căn nhà 4m² của bà Lê Thị Ngọc Hoa (68 tuổi, áo xanh) được tận dụng để xe, để đồ đạc, kê bếp, nấu ăn, rửa bát... Mọi sinh hoạt đều diễn ra trước cửa nhà như thế. Những ngày trời mưa lớn, không thể nấu nướng, cả 4 người chỉ có thể ăn cơm trắng với chao. Đây cũng là tình cảnh chung của gần 300 hộ dân khu dân cư Cầu Ông Lãnh.
Bà Trần Thị Lệ phải nấu nướng bằng bếp gas mini kê dưới lòng hẻm, phía trước căn nhà có diện tích 7,5m² của mình. "Cuộc sống trước giờ còn nhiều khó khăn song có một mái nhà của riêng mình để che nắng che mưa, một nơi để kiếm thêm thu nhập là thấy may mắn rồi", bà Lệ nói. Người phụ nữ 63 tuổi cũng kể thêm, trước năm 2015 đa phần nhà cửa ở đây lụp xụp bằng gỗ, tôn, lợp lá, đường đi thì sình lầy nên có nhà cửa bê tông như bây giờ đã khá hơn rất nhiều rồi.
Để đảm bảo an toàn, bà Lệ cố gắng thu vén đồ đạc gọn gàng, ngăn nắp, tối ưu diện tích sử dụng. Việc kê bếp ra lòng hẻm cũng nhằm hạn chế sử dụng các thiết bị điện trong nhà, giảm nguy cơ cháy nổ.
Hai chiếc ghế lúc nào cũng được đặt ở trước cửa nhà bà Nguyễn Thị Kim Vàng để mấy đứa cháu nhỏ ngồi xem tivi hoặc để cho hàng xóm qua chơi.
Hơn 40 năm sinh ra và lớn lên tại khu chợ Gà - chợ Gạo, gia đình nhỏ của chị Trần Lê Thuỳ Linh thuê căn nhà khoảng 6m² để sinh sống và bán hàng nước giải khát. "Căn nhà cũ giờ chỉ có ba mẹ ở, nhà vẫn vậy mà người thì ngày càng nhiều lên nên mình cũng phải thuê ở riêng", chị Linh nói.
6h tối, sau bữa ăn, cả gia đình chị Linh ngồi chơi, hóng mát phía bên ngoài con hẻm, mọi người chỉ vào trong nhà khi đi ngủ. Nhiều buổi đêm hè quá nóng, không thể ngủ được trong căn nhà hầm hập, chị tỉnh giấc giữa đêm đi dạo bộ ra dọc bờ sông để hóng mát rồi lại quay về ngủ tiếp. Vừa cho con nhỏ ăn bột người phụ nữ vừa tâm sự: "Nếu có quy hoạch, phải chuyển đi thì mình thấy lo lắng nhiều hơn vì không biết sẽ ở đâu, làm gì, có buôn bán được không. Các con mình cũng đang học ổn định ở đây rồi".
Nhiều người dân tại khu dân cư Cầu Ông Lãnh cũng chưa bao giờ có ý định rời đi. Bởi, dù chật chội và bí bách, những căn nhà này đã gắn bó với bao thế hệ người dân mấy chục năm qua. Hơn thế, cảnh sống mở cửa là chạm mặt nhau khiến hàng xóm láng giềng thân quen, gần gũi, hiểu nhau hơn bao giờ hết.
Khu dân cư Cầu Ông Lãnh từng là chợ truyền thống có trước năm 1975 được chia thành nhiều ki-ốt nhỏ để buôn bán. Giờ chỉ còn lại một phần vẫn tiếp tục kinh doanh, nhiều ki-ốt trở thành nhà ở cho các hộ dân nên có tình trạng nhà vỏn vẹn có 2-3m².
TPHCM đang tìm cách chỉnh trang đô thị, giải quyết việc người dân sinh sống trong những ngôi nhà "hộp diêm" tại khu dân cư Cầu Ông Lãnh. Theo UBND quận 1, dự án chợ Gà - Gạo có diện tích khu đất 6.339m², phù hợp quy hoạch là 5.949m²; mật độ xây dựng tối đa 50%; hệ số sử dụng đất là 10; chiều cao tối đa 50m; dân số 700 người.