Bộ đôi tên lửa Hệ thống phóng không gian (SLS) và tàu vũ trụ Orion, hai thành phần cốt lõi trong sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng Artemis 1 của NASA, đã rời bệ phóng tại Trung tâm vũ trụ Kennedy ở bang Floria lúc 1h47 giờ miền đông nước Mỹ (13h47 giờ Việt Nam) ngày 16/11.
Theo AP, SLS là tên lửa mạnh nhất từng được chế tạo của NASA, với chiều cao 98 mét và trọng lượng khoảng 2.500 tấn. Trong khi, tàu Orion sở hữu đường kính 5 mét và nặng 23 tấn.
Bộ đôi được phóng lên quỹ đạo Trái Đất an toàn và mất 12 phút để đạt tới độ cao cần thiết. Tàu vũ trụ sau đó sẽ tách khỏi tên lửa đẩy để thực hiện hành trình kéo dài trong 25 ngày đến Mặt Trăng và trở về Trái Đất, đưa nước Mỹ tiến một bước gần hơn tới việc đưa con người quay trở lại bề mặt Mặt Trăng lần đầu tiên kể từ khi chấm dứt chương trình Apollo cách đây 50 năm.
Báo Guardian đưa tin, không có phi hành gia nào tham gia sứ mệnh Artemis I. Tàu Orion chỉ chở theo 3 hình nộm và đồ chơi mềm Snoopy để đo mức độ bức xạ và thử nghiệm các hệ thống thiết bị bảo vệ sự sống mới được thiết kế cho các cuộc du hành vũ trụ tiếp theo của con người.
Artemis I là nhiệm vụ mở đầu cho chương trình Artemis của NASA nhằm đưa con người lên Mặt Trăng sinh sống và làm việc lâu dài.
Theo lộ trình, Artemis được chia làm 3 giai đoạn. Nếu mọi việc thuận lợi, sau Artemis I sẽ là sứ mệnh Artemis II đưa các phi hành gia bay quanh Mặt Trăng vào khoảng năm 2024 và sứ mệnh Artemis III cho phép các nhà du hành vũ trụ hạ cánh xuống bề mặt thiên thể này năm 2025.
Tuấn Anh
>> Đọc thêm tin thế giới mới nhất tại báo VietNamNet
"Chúng ta chọn tới Mặt trăng", bài phát biểu thúc đẩy Mỹ khám phá không gian
Ngày 12/9/1962, tại sân vận động Đại học Rice ở Houston, Texas, Tổng thống Mỹ John F.Kennedy có bài phát biểu nổi tiếng, thường được biết đến với tên gọi đơn giản "Chúng ta lựa chọn tới Mặt trăng".
Vì sao các phi hành gia tàu Apollo từ Mặt Trăng về Trái Đất phải cách ly?
Trở về Trái Đất sau chuyến du hành Mặt Trăng đi vào lịch sử, nhưng các phi hành gia đã phải thực hiện cách ly 21 ngày.