Theo NBC, trong sáng ngày 22/5 (giờ địa phương), bức ảnh được cho là ghi lại hình ảnh một vụ nổ xảy ra bên cạnh một tòa nhà giống với Lầu Năm Góc đã được đăng tải trên Twitter. Bức ảnh này sau đó được lan truyền nhanh chóng, khiến cho nhiều người dân Mỹ tin rằng đây là thông tin thực và vô cùng hoang mang.
Tuy vậy, sau khi nhận được nhiều cuộc gọi về bức ảnh, sở cứu hỏa Arlington, bang Virginia đã nhanh chóng tiến hành xác minh sự việc. Sau khi điều tra kỹ càng, cơ quan này khẳng định không có sự cố nào xảy ra tại Lầu Năm Góc và các khu vực lân cận. "Thông tin của bức ảnh hoàn toàn sai sự thực", đại diện sở cứu hỏa cho biết.
Trả lời NBC, chuyên gia kỹ thuật số Nick Waters cho rằng bức ảnh có nhiều điểm bất thường và dường như được tạo ra bởi AI. "Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ nhận ra nhiều điểm không thích hợp về cấu trúc của tòa nhà và hàng rào. Địa điểm xảy ra vụ nổ cũng không tồn tại, không thể tìm thấy tòa nhà này thông qua các ứng dụng vệ tinh quan sát", ông Waters nói.
Theo CNN, trong số những tài khoản Twitter đã chia sẻ bức ảnh này, có một tài khoản tự xưng là có liên quan tới hãng tin Bloomberg với hơn 1 triệu người theo dõi. Tài khoản này hiện đã bị khóa và bức ảnh cũng bị xóa.
Không chỉ gây bão mạng xã hội Mỹ, bức ảnh này còn xuất hiện trên kênh truyền hình Republic TV của Ấn Độ và hãng tin RT của Nga. Tuy vậy, sau khi được xác thực, cả kênh Republic TV và RT đều đã xóa bài đăng về vụ nổ giả.