Chiều 24/11, tại Quảng Ninh, Trung tâm Thông tin (Bộ TT&TT) đã tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác thông tin, tuyên truyền cho đội ngũ phóng viên chuyên trách của các cơ quan báo chí và cán bộ làm công tác truyền thông của Bộ, của ngành TT&TT năm 2023.

Đây là hoạt động nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông trong tình hình mới. 

Những năm qua, ngành TT&TT đã có sự phát triển bứt phá, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, được Đảng và Nhà nước giao với những thành tựu quan trọng. Hầu hết các chỉ tiêu phát triển ngành đề ra đều đạt hoặc vượt các mức đã đề ra.

Năm 2022, doanh thu toàn ngành TT&TT đạt 3.893.595 tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm 2021 và gấp 1,5 lần so với dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 của cả nước. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 98.982,30 tỷ đồng, tăng 24,7% so với năm 2021.

W-truyen-thong-chinh-sach-1-2.jpg
Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác thông tin, tuyên truyền do Bộ TT&TT tổ chức tại Quảng Ninh. 

Tổng số lao động toàn ngành năm 2022 là 1,5 triệu lao động, tăng 5% so với năm 2021. Năng suất lao động ngành TT&TT (tính theo đóng góp vào GDP) ước đạt khoảng 648 triệu đồng, tốc độ tăng năng suất lao động là 6,7% so với năm 2021.

Trong 10 tháng đầu năm 2023, lũy kế doanh thu toàn ngành tính đến hết tháng 10/2023 ước đạt 3.016.617 tỷ đồng. Lũy kế nộp ngân sách toàn ngành tính đến hết tháng 10/2023 ước đạt 79.014 tỷ đồng.

Theo ông Đỗ Công Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Bộ TT&TT, để đạt được những kết quả đó, công tác thông tin, truyền thông đã có những đóng góp không nhỏ. Trong đó, có sự tham gia trực tiếp, tích cực của những người làm công tác thông tin, truyền thông, của các nhà báo, phóng viên chuyên trách truyền thông về Bộ, về ngành TT&TT tại các cơ quan báo chí. 

Tại buổi tập huấn, Trung tâm Thông tin (Bộ TT&TT) đã chính thức công bố hình thành mạng lưới truyền thông Ngành TT&TT. Theo đó, Bộ TT&TT đã xây dựng được mạng lưới truyền thông thống nhất, kết nối các cơ quan, đơn vị của Bộ, của ngành với các cơ quan báo chí. 

Mạng lưới truyền thông sẽ bao gồm đại diện lãnh đạo và chuyên viên, cán bộ phụ trách về truyền thông của 32 cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, 63 Sở TT&TT và sự tham gia của gần 80 nhà báo, phóng viên chuyên trách của trên 50 cơ quan báo chí.

W-truyen-thong-chinh-sach-do-cong-anh-2.jpg
Ông Đỗ Công Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, Bộ TT&TT.

Chia sẻ về lý do hình thành mạng lưới truyền thông ngành TT&TT, ông Đỗ Công Anh cho biết, có những đơn vị, Sở TT&TT rất chủ động, nhưng cũng có những đơn vị, những Sở TT&TT chưa chủ động, chưa chú trọng hoặc quan tâm đến công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông chính sách của ngành, của Bộ. Thậm chí né tránh hoặc không muốn tiếp xúc với giới truyền thông.

Điều này dẫn đến khi đơn vị muốn truyền thông về chính sách hoặc về những việc mình làm tốt thì không lan tỏa được. Khi có sự cố thì cũng không biết làm thế nào để xử lý sự cố truyền thông. Mạng lưới truyền thông ngành TT&TT được hình thành để giải quyết điều đó”, ông Đỗ Công Anh nói. 

Theo Giám đốc Trung tâm Thông tin, Bộ TT&TT, trong quá trình truyền thông, để đạt được hiệu quả, thông tin phải rõ ràng. Thông tin chỉ dễ lan tỏa khi nó là một câu chuyện.

Ví dụ, chính sách đó đưa ra thì mang lại cái gì cho người dân, đất nước, cho sự phát triển ngành, giải quyết vấn đề gì cả xã hội.

Do vậy, thành viên của mạng lưới cần cởi mở, chia sẻ, đồng cảm và cùng hướng đến mục tiêu chung là phát triển ngành, phát triển đất nước, giải quyết được các vấn đề xã hội, người dân, doanh nghiệp quan tâm, bên cạnh tính phản biện thì luôn kèm theo đề xuất.

Nguyễn Thảo và nhóm PV, BTV