Hôm 3/12, một chủ cửa hàng quần áo tại Đồng Tháp đặt mua chiếc iPhone 12 Pro Max từ TP.HCM. Khi nhân viên giao hàng tới nơi, do nhân viên cửa hàng đang bận nên người này để gói hàng lại mà không giao tận tay. Sau khi shipper rời đi, người mua mở gói hàng thì nhận được cục đá thay vì chiếc smartphone của Apple.

{keywords}
Chủ cửa hàng gửi một iPhone khác (bên trái) cho khách trong khi chờ xử lý vụ việc khách nhận cục đá thay vì iPhone 12 Pro Max. (Ảnh: FB D.N)

Chủ cửa hàng điện thoại ở TP.HCM ngay sau đó gửi một chiếc máy khác cho khách mua, đồng thời khiếu nại đơn vị vận chuyển. Phía giao hàng sau đó đã đền bù khoản tiền tương đương giá trị chiếc iPhone 12 Pro Max cho khách hàng.

Theo ý kiến luật sư, nếu trong sự việc này có hành vi lừa đảo, người phạm tội có thể bị phạt hành chính hoặc phạt tù.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Văn Hậu và cộng sự, TP.HCM) cho rằng trường hợp không đủ dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ. 

Theo đó, người nào dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng; đồng thời bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, nếu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn tái phạm với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân tùy vào mức độ vi phạm. 

Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Làm sao bảo vệ quyền lợi người mua lẫn người bán?

Khi một sự vụ xảy ra, hành vi gian dối có thể đến từ bất kỳ phía nào kể cả khách mua hàng, người bán, lẫn đơn vị trung gian vận chuyển. Tất cả các bên cần lưu lại bằng chứng để cung cấp khi cần thiết.

Theo luật sư Hậu, khi thực hiện hành vi mua hàng hóa trên môi trường Internet, người bán hàng, cửa hàng cần phải tìm đến những đơn vị giao phát hàng uy tín. Khi giao hàng, cần chụp hình gói hàng và xác nhận với đơn vị giao hàng những hàng hóa có trong gói hàng, tránh trường hợp bị đánh tráo. Cần lưu lại thông tin người giao hàng như tên, số điện thoại, biển số, thời gian giao hàng cùng với giấy tờ tùy thân để làm bằng chứng xác thực.

Sau khi giao hàng cho đơn vị vận chuyển, người bán hàng cần gửi ngay thông tin, hình ảnh gói hàng (nếu có video trong quá trình gói hàng thì gửi cả video) để khách hàng xác nhận bên trong gói hàng trong quá trình gói hàng cũng như xác định đặc điểm nhận dạng của gói hàng. 

Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, đây được coi là những bằng chứng để bảo vệ đúng quyền lợi của mình.

Đối với phía khách hàng, người mua hàng, khi đặt mua cần hỏi kỹ cửa hàng thông tin hàng hóa, nếu nhắn tin thì có thể chụp màn hình, nếu gọi điện thì ghi âm cuộc gọi. Phải chọn nơi mua sắm uy tín, có địa chỉ, chủ sở hữu rõ ràng, hàng hoá sản phẩm bán cần được kiểm định chất lượng theo quy định để có cơ sở giải quyết nếu có vấn đề phát sinh. Nếu không có những thông tin rõ ràng và cụ thể thì không mua. Để xác minh điều này, người tiêu dùng có thể sử dụng những công cụ tìm kiếm trên mạng để hỗ trợ.

Người mua cần cung cấp đầy đủ, xác thực thông tin nhận hàng của mình cũng như lưu lại thông tin của người bán hàng. Yêu cầu video, hình ảnh gói hàng, giao hàng cho đơn vị vận chuyển từ người bán.

Khi nhận hàng, người nhận nên mở kiểm tra hàng, cảm thấy cần thiết hoặc món hàng có giá trị thì cần quay video lại lúc mở kiểm tra hàng. Nếu người giao không cho mở hàng để kiểm tra, có thể từ chối nhận hàng. Nếu hàng hóa không có giá trị tương đương với số tiền ứng trước thì cần xác minh lại với người gửi. Liên hệ trực tiếp với người bán hàng về tình trạng hàng hóa không đúng như yêu cầu. 

Ngoài ra, người tiêu dùng nên thận trọng với những món hàng rẻ hơn giá trị thật của nó. Có thể có khuyến mãi hay giảm giá, nhưng phải hỏi kỹ thông tin sản phẩm. Yêu cầu cửa hàng phải cung cấp thông tin rõ ràng về các vấn đề phát sinh và cách xử lý khi tiến hành giao dịch, đặc biệt là các vấn đề như bảo hành, trả hàng, hoàn tiền…

Luật sư cũng cho rằng, không nên chuyển số tiền quá lớn khi chưa nhận hàng. Nếu không chắc chắc nguồn gốc cũng như mức độ tin cậy của người bán thì không nên mua sản phẩm dù nó có rẻ và được quảng cáo hay như thế nào đi nữa.

Sau khi nhận hàng, người mua nên lưu lại thông tin như mã xác nhận đơn hàng, hóa đơn thanh toán… phòng khi có thất thoát hoặc nhầm lẫn nào đó. Bên cạnh đó, người mua hàng cần cẩn trọng khi cung cấp thông tin cá nhân của mình.

Đối với phía đơn vị vận chuyển, khi nhận giao hàng, người nhận giao nên mở kiểm tra hàng. Nếu người gửi không cho mở hàng để kiểm tra, người nhận giao hàng có thể từ chối nhận giao hàng. Nếu hàng hóa không có giá trị tương đương với số tiền ứng trước thì cần xác minh lại với người gửi đồng thời nếu hàng hóa thuộc những mặt hàng bị cấm thì người vận chuyển có quyền từ chối giao hàng và báo cáo cho cơ quan chức năng.

Khi nhận hàng giao, cần chụp lại hình ảnh món hàng, xác thực người gửi và người nhận bằng chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ quan trọng và chụp lại chứng minh nhân dân cũng như hình ảnh của người đưa hàng.

Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, luật sư khuyên các bên có thể liên hệ ngay với cơ quan chức năng để làm rõ vụ việc nhằm đảm bảo đúng quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Khó lưu lại bằng chứng

Trong trường hợp xảy ra sự cố như nói trên, luật sư Vũ Quang Đức (TP.HCM), dẫn Điều 9 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định nghĩa vụ của người tiêu dùng phải kiểm tra hàng hóa trước khi nhận. Khi kiểm tra, người mua cần quay video làm bằng chứng về gói hàng để cung cấp nếu có khiếu nại về sau.

Tuy nhiên trên thực tế rất nhiều khách mua hàng online vì bận bịu, sợ mất thời gian nên không thực hiện các biện pháp lưu bằng chứng. Chưa kể, nhiều trường hợp nhờ nhận hàng giúp hoặc nhờ nhân viên giao hàng để lại sảnh chung cư, phòng bảo vệ công ty,...

Bản thân nhân viên giao hàng vì phải đi giao ở nhiều địa chỉ khác nhau nên cũng không muốn tốn thời gian vào những trường hợp cụ thể. Việc không được gặp trực tiếp khách khi giao hàng cũng thường xuyên xảy ra, nếu làm theo quy định sẽ mất thời gian cả đôi bên.

Trong mối quan hệ 3 bên này, người bán hàng thường chủ động hơn. Đối với các nhà bán có kinh nghiệm, các món hàng giá trị lớn trước khi giao cho bên giao hàng thường có ký nhận, thậm chí quay video làm bằng chứng.

Các đơn vị vận chuyển chuyên nghiệp vẫn thường có quy trình kiểm soát gắt gao để đề phòng gian lận, do đó cũng có kinh nghiệm trong việc lưu lại bằng chứng.

Riêng khách mua hàng đa số ít có kinh nghiệm hơn, do đó đối với các món hàng giá trị lớn nên mở gói hàng, xem tình trạng hàng hoá trước mặt nhân viên giao nhận để có cơ sở xử lý về sau.

Hải Đăng

Mua iPhone nhận cục đá: Khách hàng làm sao để tránh?

Mua iPhone nhận cục đá: Khách hàng làm sao để tránh?

Nếu khách không kiểm tra hàng hoá hay lưu lại bằng chứng sai phạm sẽ không có cơ sở khiếu nại khi bị tráo sản phẩm.