Tác phẩm do Ngô Quang Thịnh biên kịch và đạo diễn, là bài ca chiến thắng trên mặt trận ngoại giao và tư tưởng, kết quả trong nghệ thuật ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các nước Châu Âu, để Việt Nam nhận được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế trong việc phản đối chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ tại Việt Nam.
Điểm nhấn của phim là câu chuyện về sự xuất hiện của lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh cao của Nhà thờ Đức Bà tại Paris vào đêm 18/1/1969.
Sự hiện diện trong 1 ngày của lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam ngay ngày mở đầu đàm phán đã thu hút sự quan tâm của các phương tiện truyền thông quốc tế, trong đó có trang đầu The New York Times ngày 20/1.
Khải hoàn ca giữa lòng Paris đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên chính trường trước thềm Hội nghị Paris năm 1973, là tiền đề để đế quốc Mỹ rút quân khỏi Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam đến thống nhất.
Đặc biệt, câu chuyện về 3 thanh niên người Thụy Sĩ (ông Olivier Parriaux, Bernard Bachelard và Noe Graff) đã dũng cảm treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam trên đỉnh Nhà thờ Đức Bà Paris lần đầu tiên được kể lại trong phim.
Đây cũng là lần duy nhất 3 ông tái ngộ ngay tại Nhà thờ Đức Bà Paris sau 55 năm từ lần hành động quả cảm ủng hộ Việt Nam năm 1969.
Bộ phim cũng khắc họa rõ nét những dấu ấn sâu đậm mà quãng thời gian ở Pháp (1917-1923) đã để lại trong cuộc đời hoạt động của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc.
Phần 2 Khải hoàn ca giữa lòng Paris gồm 2 tập, mỗi tập khoảng 22 phút.
Tập 1 Từ Le Harve đến Paris khai thác khái quát những câu chuyện về các hoạt động của Bác trong giai đoạn tìm đường cứu nước, điểm qua những nơi gắn với hình ảnh của Bác tại Pháp.
Tập 2 Lá cờ trên đỉnh tháp nhà thờ Đức Bà Paris lấy cột mốc cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán 4 bên.
Tập phim khai thác sự kiện 3 người Thụy Sĩ treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam trên đỉnh tháp nhà thờ Đức Bà Paris, từ đó thấy được tầm ảnh hưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc lan tỏa tinh thần yêu nước, đấu tranh vì hòa bình, chính nghĩa và lẽ phải đến những người yêu nước trên thế giới.
Bộ phim được ghi hình ở Pháp và Thụy Sĩ trong 3 ngày, hoàn thiện hậu kỳ ở Việt Nam gần 3 tuần. Hai nội dung chủ đạo mà ê-kíp bám sát là nghệ thuật ngoại giao của Bác ở châu Âu và câu chuyện về 3 người Thụy Sĩ treo cờ trên đỉnh tháp Nhà thờ Đức Bà ở Paris- Pháp.
Ê-kíp được cố vấn bởi PGS TS Hà Minh Hồng, GS TS Trình Quang Phú, bà Helen Luc - nguyên Thượng Nghị sĩ Đảng Cộng sản Pháp, nhà báo Hà Đăng - nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương…
Trích đoạn từ phim "Hồ Chí Minh - Con đường phía trước: Khải hoàn ca giữa lòng Paris"