EU áp dụng chứng nhận Covid Kỹ thuật số EU từ 1/7. (Ảnh: DW) |
Ngày 9/6, Nghị viện châu Âu bỏ phiếu thông qua chương trình Chứng nhận Covid Kỹ thuật số EU. Theo đó, chương trình thúc đẩy tự do đi lại trong khối sẽ chính thức được áp dụng từ ngày 1/7. Đến nay, 9 nước Liên minh châu Âu (EU) đang áp dụng chương trình này. Chứng nhận Covid Kỹ thuật số EU sẽ ghi nhận hồ sơ tiêm chủng của người mang chứng nhận, kết quả xét nghiệm âm tính hoặc hồ sơ về lần lây nhiễm trước đó (đã khỏi bệnh).
Chương trình sẽ có hiệu lực ở tất cả các nước thành viên châu Âu, cộng thêm Iceland, Liechtenstein và Na Uy. Chứng nhận có thể ở dạng kỹ thuật số hoặc giấy; cả hai dạng đều chứa mã QR để quét mỗi khi nhập cảnh nước nào đó. Chứng nhận được viết bằng ngôn ngữ chính thức của nước phát hành cộng thêm tiếng Anh. Các nước thành viên EU đã thống nhất về mẫu thiết kế chung.
Tính đến ngày 8/6, có 9 nước thành viên EU đã tham gia chương trình, gồm Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Czech, Đan Mạch, Đức, Hy Lạp, Lithuania, Ba Lan và Tây Ban Nha. Theo Ủy ban châu Âu, 22 nước đã thử nghiệm thành công. Người được cấp chứng chỉ là công dân EU cùng gia đình họ và người thường trú hợp pháp. Người phát ngôn EU nói rằng, EU có thể áp dụng chương trình cho cả người bên ngoài khối, bao gồm người Mỹ.
Quyền tiếp cận chương trình tùy thuộc vào từng nước cung cấp chứng nhận cho du khách nước ngoài. Chứng nhận được áp dụng với các loại vắc-xin mà EU đã phê chuẩn, bao gồm AstraZeneca, Pfizer/BioNTech, Moderna, và Johnson & Johnson. EU chưa phê chuẩn Sinovac của Trung Quốc, Sputnik V của Nga. Theo Ủy ban châu Âu, hơn 1 triệu người đã đăng ký chương trình, chứng nhận được cấp miễn phí.
Ngày 20/5, tất cả 27 nước thành viên EU nhất trí sẽ đưa ra giấy thông hành Covid trên phạm vi EU trong mùa hè này để thúc đẩy tự do di chuyển phục vụ công việc và du lịch. Các nước thành viên EU sẽ phát hành loại giấy chứng nhận này, có thể là bệnh viện, trung tâm xét nghiệm, cơ quan quản lý về y tế… phát hành. Khi đi lại, mọi công dân EU hoặc công dân nước thứ ba tạm trú hoặc thường trú hợp pháp ở EU mà có giấy chứng nhận sẽ được miễn áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại (cách ly, giãn cách xã hội…) như đối với công dân của nước mà họ nhập cảnh.
Singapore: Hành lang hàng không
Ngày 18/5, Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung nói Singapore áp dụng hộ chiếu vắc-xin với điều kiện nghiêm ngặt. Đó là các nước phải đi đến một thỏa thuận công nhận giấy tiêm chủng của nhau. Thỏa thuận này gồm hai bước chính, bắt đầu với việc hai nước (có hành khách đi và hành khách đến) công nhận giấy chứng nhận đã tiêm vắc-xin Covid-19 của nhau sau khi xác định rằng là cả hai nước đều sử dụng vắc-xin tốt và giám sát kỹ quá trình tiêm chủng. Sau đó, hai bên sẽ quyết định các chính sách liên quan, như miễn cách ly hoặc giảm thời gian cách ly đối với người nhập cảnh…
Việc đi lại bằng đường hàng không chỉ được phép diễn ra sau khi nước/vùng lãnh thổ có hành khách đi và nước có hành khách đến đánh giá nguy cơ mắc Covid-19 ở hai nước/vùng lãnh thổ là tương đương. Khi đó, sẽ thành lập một hành lang đi lại bằng máy bay. Ví dụ, hành lang hàng không giữa Singapore và Hong Kong (Trung Quốc) dự kiến được mở từ ngày 22/11/2020, và hai bên miễn cách ly cho người nhập cảnh. Tuy nhiên, do số ca mắc Covid-19 tăng mạnh ở Singapore nên thời điểm lập hành lang hàng không Singapore - Hong Kong bị hoãn đến 26/5/2021 rồi lại bị hoãn vô thời hạn.
Trung Quốc: Tận dụng CommonPass và WeChat
Ngày 18/5, hãng hàng không giá rẻ Hong Kong Express Airways thông báo đã hoàn tất chuyến bay thử nghiệm đầu tiên sử dụng giấy chứng nhận vắc-xin do CommonPass phát triển và tin tưởng rằng, hộ chiếu điện tử sẽ sớm được áp dụng. (CommonPass là một dự án tạo thuận lợi cho việc đi lại toàn cầu do tổ chức tín thác phi lợi nhuận The Commons Project có trụ sở ở Mỹ và Thụy Sĩ tạo ra. CommonPass ra đời nhằm cung cấp một nền tảng đáng tin cậy, có thể tương tác trên toàn cầu để mọi người ghi lại tình trạng Covid-19 của mình như khai báo y tế/kết quả xét nghiệm PCR/tiêm chủng để đáp ứng yêu cầu nhập cảnh của nước họ muốn đến, trong khi vẫn bảo vệ được quyền riêng tư dữ liệu sức khỏe của họ.
Gần đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thông báo, chính quyền Trung Quốc có kế hoạch hợp tác với công ty công nghệ Tencent Holdings (trụ sở ở Bắc Kinh) để tích hợp hệ thống xác nhận tài liệu điện tử (kết quả xét nghiệm/tiêm chủng…) vào ứng dụng nhắn tin WeChat rất phổ biến với người Trung Quốc và người nước ngoài có liên quan Trung Quốc (người gốc Trung Quốc, nhà đầu tư, thương nhân nước ngoài, du học sinh…). Người dùng điện thoại cài WeChat chỉ cần chìa màn hình điện thoại ra là có thể kiểm tra được hộ chiếu điện tử.
Na Uy: Giấy chứng nhận vắc-xin cho xuất nhập cảnh và dự sự kiện
Cũng giống nhiều nước EU sống dựa vào du lịch, Na Uy đang muốn nối lại đường hàng không vào mùa du lịch hè này. Hôm 10/5, chính phủ Na Uy thông báo kế hoạch thiết lập hệ thống cho phép công dân Na Uy đã được tiêm vắc-xin Covid-19 trưng ra bằng chứng là họ đã được tiêm chủng để xuất cảnh hoặc nhập cảnh.
Thủ tướng Na Uy Erna Solberg cũng nói rằng, Na Uy sẽ thực hiện việc áp dụng chứng nhận vắc-xin ở các sự kiện công cộng đông người và với các tàu du lịch. Na Uy có kế hoạch yêu cầu thủy thủ đoàn và hành khách trên du thuyền trưng bằng chứng đã được tiêm chủng/xét nghiệm âm tính/đã khỏi bệnh Covid-19.
(Theo Tiền Phong)
Hộ chiếu sức khỏe điện tử: Chìa khóa mở lại đường bay giữa các nước
Hộ chiếu sức khỏe điện tử đang được xem là một trong những giải pháp giúp nối lại các chuyến bay quốc tế, khơi thông du lịch, thương mại và vực dậy các nền kinh tế trên thế giới.