Anh N.V.C (sinh năm 1982, trú tại Hà Giang) đang điều trị tại phòng bệnh điều trị Sán, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Hà Nội). Anh cho biết mình bị ho từ tháng 2. Cơn ho ngày càng nặng, kèm theo máu. Khi đi khám, bác sĩ chẩn đoán anh mắc lao phổi.
Điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh không thấy tiến triển, anh được chuyển xuống Bệnh viện Phổi trung ương. Bác sĩ nghi ngờ trong phổi có sán nên chuyển anh đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ. Kết quả xét nghiệm cho thấy anh bị mắc sán lá phổi.
Chia sẻ với bác sĩ, người đàn ông này nhớ lại tháng 12/2022, anh đi suối bắt được cua nên đem về nấu canh. Theo bác sĩ Tạ Huy Hải, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, sau nhiều ngày điều trị, triệu chứng ho của bệnh nhân giảm dần.
Cuối tháng 7, tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), các bác sĩ cũng tiếp nhận một nam bệnh nhân (31 tuổi, quê tại Điện Biên) vào cấp cứu vì tràn dịch, tràn khí màng phổi. Cách đây 1 tháng, bệnh nhân đã ăn cua núi làm gỏi tại nhà bạn ở Lai Châu. Vài tuần sau, nam bệnh nhân có biểu hiện khó thở, ho, buồn nôn, mệt mỏi, sút cân. Bác sĩ phát hiện bệnh nhân có sán lá phổi.
Theo bác sĩ Hải, người mắc sán lá phổi thường cư trú tại các tỉnh miền núi như Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang… Nguyên nhân của căn bệnh này chủ yếu do ấu trùng cư trú ở cua đá núi. Người dân ở miền núi hay có thói quen nướng cua này ăn. Nếu nướng ở nhiệt độ không đủ, ấu trùng sán vẫn sống sẽ xâm nhập vào cơ thể người.
Ngoài ra, ấu trùng sán lá phổi cũng có thể ở trong nguồn nước. Khi uống nước suối, người dân có thể đưa ấu trùng sán vào cơ thể. Khoảng 5-6 tuần ký sinh ở cơ thể người, ấu trùng phát triển thành sán lá phổi trưởng thành và đẻ trứng để thải ra môi trường bên ngoài.
Khi ăn vào cơ thể, ấu trùng vào ruột và theo đường tĩnh mạch lên phổi và ký sinh tại phổi gây tổn thương nhu mô và tràn dịch màng phổi. Người bệnh thường có triệu chứng ho nhiều, đau tức ngực đột ngột, ho ra cả đờm lẫn máu, sút cân và dẫn đến suy kiệt, thậm chí tử vong.
Rất nhiều bệnh nhân điều trị tràn dịch màng phổi, ho kéo dài nhưng không tìm ra nguyên nhân. Hiện nay, bệnh do ký sinh trùng còn bị bỏ sót nhiều, bác sĩ khuyến cáo người dân nếu có triệu chứng ho kéo dài, mệt mỏi, tràn dịch màng phổi cần làm thêm các xét nghiệm ký sinh trùng để phát hiện sớm bệnh, tránh nhầm lẫn với các bệnh phổi khác.
Người mắc sán lá phổi phải được điều trị bằng các thuốc đặc hiệu. Các loại thuốc uống tẩy giun sán thông thường đều không có tác dụng.
Bác sĩ Hải khuyến cáo người dân đi rừng không nên uống nước lã, cua đá cần nướng kỹ hoặc dùng luộc chín, nấu canh. Các địa phương tăng cường tuyên truyền giáo dục sức khỏe về nguyên nhân gây bệnh, tác hại của bệnh và cách phòng chống; không ăn sống cua, tôm dưới bất kỳ hình thức nào để phòng ngừa bệnh, giảm nguy cơ mất an toàn thực phẩm.