Tinh thần hỗ trợ cao nhất, nhanh nhất, kịp thời nhất cho đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 đang được triển khai khẩn trương ở nhiều nơi để người dân sớm ổn định cuộc sống.
Lời tòa soạn:
Bão số 3 Yagi với cường độ mạnh nhất 30 năm qua trên Biển Đông và 70 năm qua trên đất liền đã để lại những hậu quả rất nghiêm trọng về người, tài sản, sinh kế và tâm lý người dân.
Giữa những ngày bão lũ triền miên, cả hệ thống chính trị và toàn dân đã hướng về đồng bào bị thiệt hại với tinh thần “tập trung hỗ trợ cao nhất, nhanh nhất, kịp thời nhất” cả về vật chất và tinh thần.
Và nay, tinh thần “tái thiết nhanh nhất” lại được gấp rút triển khai ở những vùng bão lũ tàn phá.
Bão số 3 Yagi và sự tàn phá khủng khiếp
Theo TS. Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, bão Yagi là cơn bão mạnh nhất 30 năm qua trên biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền. Ngoài cường độ tăng rất nhanh, bão Yagi còn có điểm dị thường như gây mưa lũ triền miên, tàn phá ở các tỉnh phía Bắc suốt 2 tuần.
Chỉ hơn 15 giờ càn quét ở một số tỉnh phía Bắc, bão Yagi đã để lại hậu quả rất nặng nề về người và tài sản. Chuỗi thiên tai triền miên do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Yagi cũng kéo theo nhiều đau thương, mất mát cho hàng vạn gia đình.
Tại nơi tâm bão đổ bộ, với sức tàn phá khủng khiếp, tỉnh Quảng Ninh hứng chịu những thiệt hại chưa từng thấy, có tới 29 người chết, trên 100 nghìn nhà bị tốc mái, đổ sập, 165 tàu, phương tiện thủy bị chìm và những thiệt hại về nuôi trồng thủy sản vô cùng lớn khác. Tổng thiệt hại do bão Yagi gây ra cho Quảng Ninh khoảng 24.200 tỷ đồng.
Cách Quảng Ninh hơn 100km, Hà Nội cũng là nơi bị thiệt hại nặng khi bão Yagi quét qua. Trong đó, có 4 người tử vong, 17 người bị thương và gần 50 nghìn cây xanh bị gãy đổ. Thời điểm mưa lũ, hàng vạn hộ dân Hà Nội phải rời nhà cửa đi sơ tán. Nhiều nông dân trồng lúa, hoa màu ở Thủ đô bị trắng tay do đồng ruộng ngập trắng.
Ảnh hưởng của bão số 3 với một số tỉnh miền núi phía Bắc còn khủng khiếp hơn, những trận mưa lớn lịch sử, sạt lở đất, lũ quét triền miên ở các tỉnh Yên Bái, Cao Bằng, Hòa Bình, Lào Cai… đã khiến nhiều nơi bị cô lập.
Đau thương hơn, trận lũ quét kinh hoàng bất ngờ ập xuống Làng Nủ (xã Phúc Khánh, Bảo Yên, Lào Cai) vào rạng sáng 10/9, đã xóa sổ ngôi làng nơi có 33 hộ dân với 168 người cư trú. Tính đến ngày 23/9, trận lũ quét này đã làm 55 người chết, 12 người mất tích.
Còn tại tỉnh Cao Bằng, mưa lũ trên diện rộng sau bão Yagi cũng khiến nhiều điểm bị sạt lở, khiến 55 người chết. Trong đó, riêng tại xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành và xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc (huyện Nguyên Bình), sạt lở đất vùi lấp hoàn toàn 12 căn nhà của 12 hộ dân, làm 20 người chết.
Toàn dân cứu trợ, hướng về đồng bào vùng bão lũ
Chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của bão Yagi, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hỗ trợ các địa phương đang gặp khó khăn. Cung cấp đầy đủ lương thực, nhu yếu phẩm các vùng bị thiệt hại, không để bất kỳ người dân nào bị thiếu đói…
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lưu ý, cần huy động sự chung tay của toàn xã hội, tổ chức cuộc vận động quyên góp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp các địa phương bị ảnh hưởng của mưa bão.
Với tinh thần “không để ai bị đói, bị rét, bị khát, không có chỗ ở”, ngày 10/9, 200 tấn gạo đầu tiên đã được Chính phủ xuất cấp không thu tiền để cứu trợ cho nhân dân các địa phương: Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn.
Liên tiếp những ngày sau đó, Chính phủ đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh Lào Cai 150 tỷ đồng, Yên Bái 40 tỷ đồng, Cao Bằng 50 tỷ đồng và tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho nhiều địa phương để khắc phục hậu quả của cơn bão Yagi và mưa lũ gây ra, sớm ổn định đời sống người dân.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã quyết định xuất cấp gần 37,4 nghìn tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia, giao cho các địa phương để hỗ trợ hơn 540 nghìn học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn trong học kỳ I năm học 2024- 2025.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, bão số 3 cùng mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản cho các địa phương với tổng thiệt hại kinh tế ban đầu ước tính trên 60 nghìn tỷ đồng.
Theo ông Đỗ Văn Chiến, với tinh thần “tập trung hỗ trợ cao nhất, nhanh nhất, kịp thời nhất” theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, sáng ngày 10/9, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động và ra Lời kêu gọi toàn dân tham gia ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.
Tính đến ngày 23/9, Ban Vận động Cứu trợ Trung ương đã tiếp nhận trên 1.656 tỷ đồng và đã kịp thời phân bổ hỗ trợ đến các địa phương 2 đợt với tổng số tiền 1.035 tỷ đồng.
Ông Đỗ Văn Chiến cho biết, Ban Vận động Cứu trợ Trung ương sẽ tiếp tục phân bổ số kinh phí tiếp nhận ủng hộ đảm bảo quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả, công khai minh bạch nguồn hỗ trợ để cùng với nhân dân khắc phục hậu quả thiệt hại, sớm đưa người dân quay trở lại cuộc sống thường nhật.
Ghi nhận cho thấy, ngay cả ở những thời điểm bão lũ căng thẳng nhất cho đến những ngày qua, cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp và toàn dân đã đồng lòng chia sẻ với những mất mát của bà con vùng bão lũ bằng những nghĩa cử cao đẹp, tình đồng bào.
Ở nơi tâm lũ quét, sau gần 10 ngày Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác về đến Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) kiểm tra và chỉ đạo, chiều 21/9, UBND huyện Bảo Yên đã bàn giao 25 căn nhà tạm cư mới cho các hộ dân.
Còn tại tỉnh Quảng Ninh, một kế hoạch tổng thể tái thiết sau bão số 3 đang được triển khai, trong đó tỉnh đã quyết định những mức hỗ trợ cao nhất cho người dân bị thiệt hại.