Từ tháng 4/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 28 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025. Trong đó, giai đoạn 1 từ năm 2021 – 2025 có nội dung cho vay, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý.
Huyện Tu Mơ Rông là huyện nghèo đặc biệt khó khăn của tỉnh Kon Tum. Toàn huyện có 11 xã đều thuộc xã nghèo nhưng đây là vùng đất có nhiều nguồn dược liệu quý như sâm dây, sâm Ngọc Linh.
Nhiều năm nay phong trào thi đua lao động sản xuất, vươn lên làm giàu, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, giảm nghèo bền vững của bà con dân tộc thiểu số nơi đây phát triển mạnh mẽ. Nhiều mô hình làm nông nghiệp đã mang lại giá trị kinh tế cao.
Để người nông dân phát triển dược liệu làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, UBND huyện Tu Mơ Rông đã tích cực tìm nguồn vốn hỗ trợ bà con nông dân mua cây giống để trồng sâm, thay đổi cơ cấu cây trồng truyền thống giúp mang lại thu nhập cao hơn.
Ví dụ như gia đình anh A Vui (xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) có 2.000m2 đất rẫy. Trước đây, anh chỉ trồng củ mì mang lại thu nhập khoảng 20 – 25 triệu đồng/năm. Số tiền này không đủ trang trải cho kinh tế gia đình với 5 nhân khẩu. Vì vậy, cái nghèo cứ đeo bám, nhiều năm liền gia đình anh Vui là hộ nghèo trong thôn.
Năm 2019, anh Vui mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mua giống cây sâm Ngọc Linh về trồng trên đất rẫy của gia đình. Qua 3 năm, cây bắt đầu cho ra hạt, anh Vui dùng hạt ươm cây con bán ra thị trường với giá 300 nghìn đồng/cây. Nhờ đó, kinh tế gia đình khá hơn trước.
Không riêng anh Vui, nhiều bà con xã Măng Ri đã thoát nghèo nhờ trồng sâm. Đến nay xã đã có 400 gia đình với hơn 635ha trồng sâm Ngọc Linh. Xã cũng có nhiều hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp để phát triển chuỗi nông nghiệp.
Trên toàn huyện Tu Mơ Rông có 10 xã trồng sâm Ngọc Linh. Địa phương đã khảo sát vùng đất trồng cây và tặng cây con cho các gia đình khó khăn.
Để phát huy lợi thế vùng dược liệu của địa phương, UBND huyện Tu Mơ Rông đã thực hiện nhiều giải pháp lồng ghép tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân; hỗ trợ các nguồn vốn để bà con phát triển trồng sâm; xúc tiến thương mại, kêu gọi các doanh nghiệp liên kết với người nông dân phát triển cây sâm Ngọc Linh.
Nhờ đó, người dân đã có nhiều thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm, chủ động tìm vốn vay để trồng sâm Ngọc Linh, sâm dây.
Ngoài hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay, các tổ chức như hội nông dân, hội phụ nữ địa phương cũng tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền, tập huấn kiến thức trồng cây, chăm sóc sâm, bảo quản sâm sau thu hoạch, xây dựng hợp tác xã liên kết thu mua sản phẩm cho bà con.
Từ 4 năm nay, chị Y Gian (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) tham gia vào hợp tác xã cộng đồng phụ nữ Đắc Viên, nhờ đó đã giúp nâng giá trị những cây sâm dây do gia đình chị trồng được.
Chị Y Gian khẳng định, khi chuyển đổi cây trồng từ cây mì sang cây sâm dây, các sản phẩm được hợp tác xã thu mua, chế biến thành cao sâm, mứt mang lại giá trị kinh tế cao hơn.
Song song với trồng sâm để phát triển kinh tế, huyện Tu Mơ Rông cũng xác định hướng mũi nhọn phát triển nông nghiệp gắn với du lịch. Du khách tới địa phương ngoài tham quan, trải nghiệm các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Xơ Đăng còn tham gia tour tham quan vườn sâm Ngọc Linh.
Người dân Tu Mơ Rông đang ngày càng thay đổi cách làm nông nghiệp và hướng tới tương lai dựa trên vốn quý vùng dược liệu trồng sâm.
Theo thống kê, huyện Tu Mơ Rông đã trồng và phát triển khoảng 15 loại cây dược liệu với diện tích khoảng 2.937ha, trong đó, sâm Ngọc Linh có 1.715ha và các cây dược liệu khác 1.222ha.
Phương Anh