– Trao đổi với VietNamNet về tình trạng người lao động mất việc tràn lan, cuộc sống vô cùng khó khăn, TS Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết người lao động đang rơi vào tình cảnh không có tiền để trang trải sinh hoạt tối thiểu khiến họ dễ dàng bị xoáy vào tệ nạn xã hội.
Theo đánh giá của ông Điều, thị trường lao động trong thời gian tới sẽ khó khăn rất nhiều bởi trong quý 1/2012 đã có khoảng 12.000 doanh nghiệp (chủ yếu trong các khu công nghiệp, khu chế xuất) phải ngưng sản xuất hoặc giải thể.
“Tôi chỉ tính trung bình mỗi doanh nghiệp có 20 lao động, có nghĩa có 240.000 người lao động bị ảnh hưởng. Việc thu hẹp lượng công việc cũng khiến lao động không làm thêm, tăng ca được.
Tiền lương là thu nhập duy nhất của họ, mất việc, họ lấy đâu ra tiền để trang trải sinh hoạt hàng ngày như ăn ở, đi lại, điện nước, nuôi sống gia đình, con cái?”, ông Điều đặt câu hỏi.
Đời sống người lao động bị mất việc làm đang khó khăn hơn bao giờ hết. Các khoản hỗ trợ họ (như bảo hiểm thất nghiệp) chỉ đủ đảm bảo chi tiêu tối thiểu cho bản thân người lao động (Ảnh: N.A) |
Do đó, theo ông Điều, trong bối cảnh hiện nay, cần thiết nhất là những chính sách ổn định của Nhà nước nhằm áp dụng cho những lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động như nhà ở, đi lại.
“Tuy nhiên, những hỗ trợ dành cho người lao động hiện còn hạn chế. Có những doanh nghiệp xây dựng khu nhà ở nhưng không phải cho công nhân ở miễn phí hoặc thuê với giá rẻ mà lại cho người ngoài thuê với giá đắt. Việc hỗ trợ chi phí đi lại cho họ cũng gặp nhiều khó khăn”, ông Điều cho hay.
Hiện nay, người lao động bị thôi việc, mất việc, họ được nhận trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc, trợ cấp thất nghiệp. Ngoài ra, người lao động còn được giới thiệu việc làm, được đào tạo nghề miễn phí, được hưởng BHYT trong thời gian thất nghiệp.
“Nhưng số tranh thủ đi học nâng cao tay nghề trong thời kỳ thất nghiệp là rất ít, dù rằng nếu làm được vậy thì khi kinh tế phục hồi họ sẽ có nhiều cơ hội. Tuy nhiên, cũng không thể trách người lao động được, họ còn phải mưu sinh. Khoản trợ cấp thất nghiệp (bằng 60% lương) không đủ để đảm bảo cuộc sống cho người lao động và gia đình”, ông Điều nói.
Theo đánh giá của ông Điều, kể từ khi kinh tế suy thoái ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp, có một dòng dịch chuyển lao động khá sôi động từ thành phố về nông thôn để tạm lánh thời kỳ thất nghiệp.
“Khi đô thị hóa, công nghiệp hóa phát triển thì người dân ở nông thôn đổ ra thành thị kiếm việc làm. Nhưng khi mất việc và không có nhiều cơ hội xin việc mới, họ lại quay trở về nông thôn tìm kiếm việc làm tạm bợ chờ kinh tế phục hồi. Điều này giúp họ thoát khỏi gánh nặng cơm áo gạo tiền ở thành phố”, ông Điều cho biết.
Ngọc Anh