Mới đây, Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực, nhận thức cho cán bộ hội cơ sở và các hợp tác xã, tổ hợp tác, chi, tổ hội nghề nghiệp về chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc và liên kết chuỗi trong nông nghiệp.
Gần 70 đại biểu là cán bộ hội cơ sở, thành viên các hợp tác xã, tổ hợp tác, chi hội, tổ hội nghề nghiệp thuộc các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà và thành phố Hà Tĩnh tham gia lớp tập huấn. Mục đích nhằm trang bị cho nông dân Hà Tĩnh các kiến thức, kỹ năng liên quan đến quá trình ứng dụng, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.
Tại lớp tập huấn, các chuyên gia Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã trực tiếp trao đổi một số chuyên đề về số hóa, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong nông nghiệp; quy trình chuyển đổi số; chính sách và chiến lược chuyển đổi số quốc gia; một số ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình, hợp tác xã…
Đồng thời, các học viên cũng được trang bị các kiến thức, kỹ năng như: phân tích chuỗi giá trị; quản lý chuỗi giá trị; ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ số trong nâng cấp quản lý chuỗi giá trị; các ứng dụng công nghệ số trong truy xuất nông sản hiện nay. Bên cạnh đó, có cơ hội tìm hiểu mô hình thương mại điện tử và lợi ích của thương mại điện tử trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế; câu chuyện về các mô hình điển hình thành công trong ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp…
Trước đó, để bắt nhịp công cuộc chuyển đổi số hiệu quả và chất lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 về "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Hà Tĩnh đã ban hành Kế hoạch số 393/KH-UBND ngày 29/10/2020 về chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó, ngành nông nghiệp là một trong 6 lĩnh vực được ưu tiên.
Hà Tĩnh sẽ tập trung vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Tập trung xây dựng dữ liệu lớn của ngành như về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản.
Xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp. Thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ, chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số.
Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm đảm bảo nhanh chóng, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp.
Thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý để có các chính sách, điều hành kịp thời phát triển nông nghiệp như dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý quy hoạch.
Ông Trần Huy Oánh, Chánh Văn phòng nông thôn mới tỉnh Nam Định cho hay, thời gian qua, Hà Tĩnh đã ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Điều này thể hiện rõ nét như: truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, phát triển thương mại điện tử… Đây là một trong những nội dung, tiền đề hình thành chuyển đổi số, kinh tế số góp phần thực hiện thành công Đề án thí điểm tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Hải Vân