Thông tin tại Diễn đàn “Phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững” diễn ra sáng 24/11 ở Hà Nội cho biết, đến hết tháng 10/2023, cả nước có 20.309 hợp tác xã nông nghiệp với khoảng 3,8 triệu thành viên, gần 1,6 triệu lao động làm việc thường xuyên. Trong đó, hơn 1.900 hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ cao và công nghệ số trong sản xuất.

Dự kiến năm 2023, doanh thu bình quân của 1 hợp tác xã nông nghiệp đạt khoảng 2,5 tỷ đồng/năm, lãi bình quân 400 triệu đồng/hợp tác xã/năm, thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên tại hợp tác xã nông nghiệp đạt 52 triệu đồng/năm.

Trong những năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn quan tâm, chú trọng thực hiện chuyển đổi số cho các hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp nông nghiệp và cho người dân trong giai đoạn tới nhằm đáp ứng các mục tiêu chính phủ đề ra, đặc biệt là mục tiêu: “Mỗi người nông dân đều có khả năng truy cập, khai thác, sử dụng hiệu quả nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc, giảm sự phụ thuộc vào các khâu trung gian từ sản xuất, phân phối đến người tiêu dùng”.

Nhiều hoạt động đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai. Đáng chú ý: Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc và mã số vùng trồng, tích hợp hệ thống tạo mã tem chống giả QR Code, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu. 

minhhoa.jpg
Ảnh minh hoạ

Hệ thống truy xuất nguồn gốc toàn diện theo chuỗi giá trị cho các vùng nguyên liệu tích hợp có thể giúp truy xuất nguồn gốc cho khoảng 20 sản phẩm (gồm dứa, chanh leo, cà phê, lúa, sầu riêng, mít, xoài…) của hơn 270 hợp tác xã với hơn 186.000 hộ nông dân thành viên. 

Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và áp dụng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu vùng nguyên liệu (cây ăn quả, gỗ rừng trồng, cà phê, trái cây, lúa gạo…), bao gồm đa dạng thông tin về: Nông hóa thổ nhưỡng; loại hình nông sản đang sản xuất và có thể sản xuất…; 

Hỗ trợ xây dựng phần mềm quản lý vùng nguyên liệu cho các hợp tác xã; Hỗ trợ thiết lập, vận hành hệ thống quản lý kho bãi tập trung, cơ sở sơ chế, chế biến nguyên liệu trước khi vào nhà máy chế biến nông sản.

Cổng kết nối dữ liệu đã được vận hành, cho phép kết nối các bên sản xuất (nông dân, hợp tác xã, tổ sản xuất) để thu thập thông tin cho cơ sở dữ liệu về vùng nguyên liệu. Cổng kết nối dữ liệu cũng là trung gian kết nối giữa hệ thống quản lý sản xuất và hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử.

Mặt khác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn triển khai sàn giao dịch tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu cho hợp tác xã, sử dụng công nghệ blockchain, Internet kết nối vạn vật, viễn thám vệ tinh số hóa trên nền bản đồ… 

Hiện có hơn 600 hợp tác xã nông nghiệp tham gia sàn giao dịch sanocop.vn kết nối tiêu thụ sản xuất phẩm xuất khẩu tới các thị trường Nhật Bản, Anh, Pháp, Hà Lan, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc… (các mặt hàng chính là sầu riêng, khoai lang, bưởi, chôm chôm, xoài…).

Để nâng cao hiệu quả hoạt động chuyển đổi số hợp tác xã nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập huấn nâng cao nhận thức cho hơn 1.400 cán bộ quản lý và thành viên hợp tác xã nông nghiệp về việc ứng dụng phần mềm nhật ký sản xuất FaceFarm và phần mềm kế toán hợp tác xã.

Các công ty công nghệ cũng đã tăng cường phối hợp với các cơ quan nhà nước tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ hợp tác xã, nông dân ứng dụng công nghệ khoa học phần mềm kế toán hợp tác xã, phần mềm nhật ký sản xuất, tham gia sàn giao dịch điện tử sản phẩm OCOP, xây dựng cổng dữ liệu chung cho vùng nguyên liệu đề án…

Lê Thúy và nhóm PV, BTV