Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Hoà Bình giảm còn 9,2%. Năm nay, tỉnh đang nỗ lực thực hiện mục tiêu phấn đấu đến cuối năm giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 từ 2,3 - 2,5%, còn 6,9 - 6,7%.
Cùng với các chương trình hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề, tạo việc làm mới, các chính sách an sinh, bảo trợ xã hội được tỉnh Hòa Bình triển khai kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng, đúng chính sách. Tỉnh tổ chức mua, cấp thẻ BHYT miễn phí cho các đối tượng; tích cực thực hiện đề án xoá nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn...
Hoà Bình xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm là một trong các trụ cột chính để giảm nghèo bền vững. Bù đắp chiều thiếu hụt về việc làm cũng là nhiệm vụ giảm nghèo đa chiều mà tỉnh và các địa phương trong tỉnh rất quan tâm.
Sở LĐ-TBXH tỉnh Hoà Bình cho biết giai đoạn 2021-2025, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững của tỉnh triển khai các dự án phát triển giảm nghèo ở vùng khó khăn với đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, người lao động trong độ tuổi có nhu cầu học nghề. Tính đến tháng 6/2024, tỉnh đã giải ngân hơn 105,4 tỷ đồng từ các nguồn để thực hiện dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững.
Tại huyện Lạc Sơn, đến hết quý 1/2024, huyện còn hơn 5.200 hộ nghèo, hộ cận nghèo, tỷ lệ 14,97%. Năm nay huyện được phân bổ trên 35 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Trong quá trình triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình, huyện đặc biệt chú trọng công tác đào tạo nghề nông nghiệp (chăn nuôi gia súc, gia cầm, bảo vệ thực vật) và các nghề phục vụ chuyển đổi cơ cấu lao động như may công nghiệp, hướng dẫn du lịch, kỹ thuật nấu ăn...
Không chỉ trông chờ vào nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, Lạc Sơn chủ động dành khoảng 400 triệu đồng từ nguồn ngân sách địa phương để mở các lớp dạy nghề cho người lao động trên địa bàn huyện.
6 tháng đầu năm, huyện đã tạo việc làm mới cho 1.605 lao động trong nước, 44 lao động xuất khẩu theo hợp đồng lao động ở nước ngoài. Ngoài ra, huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 1 phiên giao dịch việc làm cho các xã vùng Đại Đồng tại xã Ân Nghĩa.
Công tác giáo dục nghề nghiệp được quan tâm, huyện thông báo tuyển sinh 12 lớp với 230 học viên gồm các lớp nghề: Kỹ thuật nuôi và phòng bệnh cho gia cầm và lợn; May công nghiệp; Kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp. Thực tế, hầu hết người lao động từng tham gia học nghề phát huy được nghề đã học và ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn sản xuất. Nhiều người sau khi học nghề đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất và từng bước vươn lên làm giàu.
Tạo việc làm tại chỗ cũng là nội dung được Lạc Sơn chú trọng, khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện. Chị Bùi Thị Thi, hội viên chi hội xóm Át, xã Vũ Bình, là tấm gương phụ nữ khởi nghiệp năng động, tạo được nhiều việc làm cho các chị em khác thông qua công việc may thú nhồi bông. Chị Thi còn đào tạo nghề, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện để lao động sớm làm nghề, sớm có thu nhập. Hiện, chị tạo việc làm ổn định cho gần 40 lao động địa phương với mức lương 4 - 6 triệu đồng/người/ tháng, một số chị em tay nghề cao có thể đạt thu nhập 10 triệu đồng/tháng.
Tại huyện Mai Châu, qua khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở lớp nghề, chủ yếu về trồng trọt, chăn nuôi, thêu ren, sửa chữa máy nông nghiệp, nấu ăn, hướng dẫn viên du lịch.
Với ngành nghề học đa dạng, phù hợp với khả năng, điều kiện của người lao động, chương trình đào tạo, mở lớp nghề phát huy tác dụng, gắn với giải quyết được nhiều việc làm tại chỗ, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.
Tại huyện nghèo Đà Bắc, huyện xác định chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là kênh giải quyết việc làm quan trọng, giảm nghèo bền vững, đa chiều hiệu quả, góp phần xây dựng quê hương.
Để đẩy mạnh chương trình này, huyện tăng cường thông tin, tuyên truyền về lợi ích của xuất khẩu lao động tới người lao động, tạo cơ hội kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp, nhà tuyển dụng và người lao động kịp thời triển khai chính sách. Huyện cũng tổ chức các phiên giao dịch việc làm về các xã, cụm xã.
Tại Hoà Bình, đến hết năm 2024, tỉnh dự kiến sẽ mở 235 lớp đào tạo nghề cho gần 6.900 học viên là người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo. Tỉnh cũng tổ chức 6 buổi tập huấn, tham quan, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên, gắn kết giữa doanh nghiệp và học sinh, sinh viên tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình. Riêng với dự án hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong năm 2024 sẽ hỗ trợ cho 165 người lao động.
Thực tế, kết quả đầu ra về đào tạo nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động cho thấy phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững hướng đến hỗ trợ người nghèo có sinh kế, việc làm, đóng góp quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo của tỉnh theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2022-2025.
Đến hết năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh Hoà Bình đạt 61%, trong đó, lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%. Người lao động có việc làm sau đào tạo nghề đạt trên 80%, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo.