Ban tổ chức cho biết, đây là lần thứ hai cuộc thi được tổ chức (lần đầu năm 2022). Hoạt động này nhằm quảng bá sâu rộng tiềm năng văn hóa, du lịch; phát huy truyền thống lịch sử, đất nước, cũng như cốt cách, tâm hồn con người Việt Nam trong nước và bạn bè quốc tế. Đồng thời, cuộc thi là sự kiện văn hóa có ý nghĩa nhằm phát huy vai trò, năng lực của người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung - người sáng lập cuộc thi Hoa hậu Áo dài Việt Nam bày tỏ sự yêu mến dành cho trang phục truyền thống của Việt Nam.
"Hơn 10 năm học tập, sinh sống tại Hàn Quốc giúp tôi nhận ra truyền thông Hàn Quốc quảng bá rất tốt về trang phục truyền thống Hanbok của họ. Làn sóng văn hóa Hàn Quốc lan tỏa mạnh mẽ tới nhiều nước trên thế giới, nhưng áo dài Việt Nam thì chưa làm được như vậy. Khi trở về Việt Nam, tôi muốn tạo dựng một chương trình riêng để quảng bá du lịch, văn hóa của dân tộc. Ngoài việc tìm người đẹp có đủ 'sắc, tâm, tài' để quảng bá du lịch, ban tổ chức mong muốn góp phần tôn vinh tà áo dài, niềm tự hào của người Việt", bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung hy vọng cuộc thi Hoa hậu Áo dài Việt Nam ngoài việc tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt trong tà áo dài, sẽ góp phần truyền đi thông điệp về một đất nước tươi đẹp về thiên nhiên và giàu có về văn hóa. Với mục đích này, cuộc thi không tìm kiếm những người có khuôn mặt và hình thể đẹp nhất mà phải kết hợp được cả "sắc, tâm, tài".
Cũng theo bà Tuyết Nhung, để tìm kiếm những người kết hợp được cả “sắc, tâm, tài”, ban tổ chức nới lỏng tiêu chí cho thí sinh dự thi. Theo đó, độ tuổi của thí sinh từ 18 - 45, chấp nhận cả người đã lập gia đình và qua phẫu thuật thẩm mỹ.
Hoa hậu Áo dài Việt Nam 2024 có các giải chính: Hoa hậu Áo dài Việt Nam, Á hậu 1, Á hậu 2. Các giải phụ gồm: Người đẹp nhân ái, Người đẹp tài năng, Người đẹp có gương mặt khả ái, Người đẹp có làn da đẹp nhất, Người đẹp hình thể, Người đẹp du lịch, Người đẹp thân thiện; Người đẹp ảnh và Người đẹp truyền thông.
Chung kết cuộc thi dự kiến tổ chức tại Ninh Bình.