Hoa hậu Nguyễn Thanh Hà vừa tham dự họp báo Lễ hội Áo dài T.PHCM. Đây là hoạt động do Sở Du lịch TP phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ TP tổ chức, trở thành một sự kiện văn hoá nổi bật của thành phố.
Thông qua đó, Ban tổ chức mong muốn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc, nuôi dưỡng tình yêu của người dân với áo dài và quảng bá với du khách về các sản phẩm du lịch tại TP.HCM.
Tại sự kiện, Nguyễn Thanh Hà vinh dự được Ban tổ chức công bố trở thành đại sứ cho Lễ hội Áo dài TP.HCM lần thứ 10. Ngoài Hoa hậu Môi trường Thế giới, lễ hội còn có sự tham gia đồng hành với vai trò đại sứ là những người đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, ca sĩ diễn viên, travel blogger…
Nguyễn Thanh Hà chia sẻ: “Được chung tay cùng các anh chị, cô chú tạo cảm hứng và lan tỏa trang phục này đến người dân và đến bạn bè quốc tế ở mọi không gian, từ gia đình, lễ nghi, đến nơi học tập, làm việc và cả không gian du lịch là điều tự hào đối với tôi. Hy vọng rằng hình ảnh một cô gái sinh năm 2004 luôn mang trong mình tình yêu áo dài sẽ truyền cảm hứng, giúp các bạn trẻ nhận ra và trân trọng hơn trang phục vốn rất quen thuộc này”.
Với Nguyễn Thanh Hà, tình yêu áo dài bắt đầu từ hình ảnh ngày trẻ của cha mẹ cô, là khi những người cô, người chị hạnh phúc diện trang phục duyên dáng này trong mỗi mùa lễ…
“Hà lớn lên, biết và trân quý áo dài từ kỷ niệm ấu thơ đến khi được đưa bộ trang phục đến Ai Cập biểu diễn ngay cạnh kim tự tháp hùng vĩ. Thanh Hà cũng chọn áo dài trắng nữ sinh là quốc phục biểu diễn. Chính bộ áo dài đó góp phần giúp Hà đoạt vương miện Hoa hậu Môi trường Thế giới 2023”, cô tâm sự.
Nguyễn Thanh Hà bật mí thời điểm dự thi quốc tế, cô nhận được nhiều câu hỏi từ thí sinh nước bạn về tà áo truyền thống. Thậm chí, không ít người ngỏ ý được đến thăm quê hương Việt Nam, được trải nghiệm mặc áo dài khám phá những thắng cảnh.
Quãng thời gian “chinh chiến” nơi xứ người giúp Thanh Hà thêm trân trọng những gì thuộc về giá trị truyền thống dân tộc. Cô nói kể cả khi không đeo sash, các thí sinh nước bạn đều có thể nhận ra mình đến từ Việt Nam nhờ vào tà áo thướt tha.
Chuỗi hoạt động Lễ hội Áo dài TP.HCM lần 10 diễn ra tại các địa điểm: Công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phố đi bộ Nguyễn Huệ, Công viên Lam Sơn, Nhà Văn hóa Thanh niên, Bảo tàng Áo dài, Quảng trường QT4 (Công viên bờ sông Sài Gòn - Thủ Đức)... và ở các di tích lịch sử, di tích văn hóa, điểm đến du lịch, các công trình của TP.HCM. Ngoài hoạt động trình diễn, chương trình còn có những hội thảo tìm về giá trị văn hóa từ xưa đến nay của áo dài gắn với TP.HCM trong sự phát triển không ngừng.