Sự kiện khai mạc diễn ra tối 7/3 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM). Người dân và du khách có dịp thưởng thức 800 mẫu áo dài đến từ 30 nhà thiết kế cùng sự tham gia đồng hành của 22 văn nghệ sĩ, hoa hậu, á hậu... với vai trò đại sứ hình ảnh cho lễ hội.
Trong đó, nhà thiết kế Đức Vincie với bộ sưu tập Hương sắc Việt nhận được phản hồi tích cực từ công chúng.
Điểm nhấn của bộ sưu tập là sự xuất hiện của hoa hậu Trần Tiểu Vy trong vai trò kết màn. Người đẹp sinh năm 2000 được giao trình diễn thiết kế lấy cảm hứng từ phượng hoàng lửa - loài chim biểu tượng cho sự hồi sinh và cũng là biểu tượng cho sự đoan trang, cao quý của người phụ nữ. Qua đó, NTK muốn tôn vinh người phụ nữ nhân dịp 8/3 qua hình ảnh loài chim cao quý này.
Đức Vincie mất hơn 3 tuần cho việc lên ý tưởng, phác thảo, thiết kế đồ hoạ, in trên tơ tằm organza… Điểm nhấn của thiết kế này là 2 lớp tà trước khắc hoạ hình ảnh cánh phượng đang bay lên, tỏa sáng rực rỡ trong màn đêm tối.
Ngoài ra, tông màu đen giúp toát lên vẻ đẹp sắc sảo, quyền lực của Hoa hậu Việt Nam 2018. Trên sân khấu, Tiểu Vy tự tin trình diễn bộ sưu tập trong sự cổ vũ của mọi người. Phần đuôi dài 10m không làm khó được nàng hậu khi vẫn sải bước uyển chuyển.
“Dù tôi có là ai, cương vị nào thì việc quảng bá áo dài rất quan trọng vì tôi là người Việt Nam. Với tôi, áo dài là di sản, là niềm vinh hạnh nên tôi muốn lan tỏa nhiều hơn đến bạn bè quốc tế. Mỗi lần ra nước ngoài, tôi đều chọn trang phục truyền thống này để mọi người nhìn thấy hình ảnh con gái Việt và tà áo dài. Riêng với cương vị hoa hậu, tôi đã, đang và sẽ tiếp tục với hành trình quảng bá này”, Tiểu Vy chia sẻ thêm.
Tiểu Vy tiết lộ thêm sau 6 năm đăng quang, cô thấy mình trưởng thành hơn so với mình của năm 18 tuổi. Người đẹp biết cân nhắc, chăm lo mọi thứ hơn.
Bộ sưu tập Hương sắc Việt của Đức Vincie gồm 20 mẫu thiết kế áo dài, được anh lên ý tưởng và thực hiện hơn 3 tháng để kịp trình làng trong sự kiện đặc biệt này. Đặc biệt, các thiết kế đều được thực hiện từ chất liệu tơ tằm truyền thống. Để có được những khuôn vải ưng ý, nhà mốt đã cất công đặt hàng từ các làng nghề như Nha Xa, Bảo Lộc…
Đức Vincie chia sẻ khi nhận được lời mời của ban tổ chức, anh đã nhanh chóng lên ý tưởng thực hiện với mong muốn góp sức mình trong việc lan tỏa vẻ đẹp, tình yêu áo dài đến với mọi người. Riêng với bộ sưu tập lần này, nhà thiết kế cất công kết hợp giữa vẻ đẹp truyền thống của tà áo với các xu hướng in, cắt may hiện đại, nhằm mang áo dài đến gần với nhiều đối tượng khác nhau, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Trên sân khấu, 20 người mẫu xuất hiện trong các thiết kế đầy màu sắc, lấy cảm hứng từ non xanh nước biếc của Việt Nam, gợi nhắc hình ảnh quê hương đổi thay từng ngày hòa với sự phát triển của thế giới. Các thiết kế lần này của Đức Vincie vẫn giữ phom dáng truyền thống, song được cách điệu ở cổ, tay áo… tạo sự khác biệt. Nhà thiết kế còn kết hợp cùng áo choàng, mấn… tạo nên sự lộng lẫy cho các người mẫu trên sân khấu.
Lễ hội Áo dài TP.HCM do Sở Du lịch TP.HCM phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM tổ chức, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc, nuôi dưỡng tình yêu của người dân thành phố với áo dài và quảng bá các sản phẩm du lịch tại TP.HCM đến bạn bè quốc tế.
Ngoài Đức Vincie, nhiều bộ sưu tập áo dài mới được trình diễn như: Sắc màu di sản (nhà thiết kế Năm Tuyền), Rực rỡ phương Đông (Ngô Nhật Huy), Hoa của đất (Việt Hùng), Lụa hát sen trong (Trung Đinh), Nét đẹp Á Đông (Võ Việt Chung)…