Triển lãm Ngược dòng - Nửa thế kỷ hội họa của Đào Minh Tri kéo dài từ ngày 22 -28/3 do Hội Mỹ thuật TP.HCM tổ chức nhằm ghi nhận những đóng góp của ông đối với mỹ thuật thành phố nói riêng và mỹ thuật trong nước nói chung.
Triển lãm trưng bày gần 60 tác phẩm chọn lọc từ 50 năm sáng tạo nghệ thuật của họa sĩ. Tranh được vẽ trên các chất liệu bột màu, sơn dầu và sơn mài. Điểm đặc biệt nằm ở các tác phẩm bột màu trên giấy, sáng tác chủ yếu trong những năm 1970, 1980, chưa từng công bố.
Sự kiện cũng tái hiện bước đường đầu vào nghề của Đào Minh Tri từ thập niên 1970. Giai đoạn này, khi mỹ thuật miền Bắc còn tập trung cho nhiệm vụ đấu tranh thống nhất đất nước, Đào Minh Tri đã có những sáng tạo hội họa đậm tinh thần cá nhân. Nhiều tranh bột màu của ông giai đoạn này cho thấy mối quan tâm tới nghệ thuật hiện đại quốc tế với những tên tuổi như P. Picasso, H. Matisse, M. Chagall, J. Miró...
Họa sĩ Lý Trực Sơn - đồng nghiệp cùng thời của ông cho biết nghệ thuật của Đào Minh Tri đã góp phần tạo ra diện mạo mở rộng đầy sinh lực của “mỹ thuật Việt Nam đổi mới”. Đặc biệt với tranh sơn mài, ông đã tạo được ngôn ngữ nghệ thuật riêng trên nền văn hóa truyền thống.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận định tranh sơn mài của Đào Minh Tri có sức quyến rũ thầm lặng và khó cũ với các thế hệ đến sau. Ông để ngỏ mọi cửa vào, lối ra nơi bức họa như một thách thức vừa ngạo nghễ, vừa dịu dàng.
“Lẳng lặng một ngôi vị đương nhiên, chẳng cần phải chiếm chỗ của bất kỳ ai, họa sĩ Đào Minh Tri là một dung nhan đáng yêu, khó bỏ của nền mỹ thuật đương đại Việt Nam”, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ.
Họa sĩ Đào Minh Tri sinh năm 1950, tốt nghiệp hệ sơ trung (7 năm) và hệ đại học (5 năm) Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1976. Sau năm 1975, ông tham gia giảng dạy tại Đại học Mỹ thuật TP.HCM, giữ chức Phó Tổng thư ký Hội Mỹ thuật thành phố. Năm 2007, ông bị tai biến, liệt nửa người, phải ngồi xe lăn nhưng vẫn giữ tình yêu hội họa.
Nửa thế kỷ sáng tác của Đào Minh Tri ghi dấu qua các cuộc triển lãm mỹ thuật cá nhân và tập thể liên tục ở trong và ngoài nước. Đặc biệt, với tranh sơn mài, ông đã tạo được ngôn ngữ nghệ thuật riêng trên nền kỹ thuật thẩm mỹ, văn hóa truyền thống. Tác phẩm của ông được lưu giữ trong nhiều bộ sưu tập trong nước và quốc tế.