Triển lãm Khi người chiến sĩ là họa sĩ khai mạc sáng 14/7 tại TP.HCM, đánh dấu cột mốc 70 năm cầm cọ và 60 năm gắn bó với mảng đề tài tranh kháng chiến của họa sĩ Trang Phượng.
Trang Phượng giới thiệu đến công chúng hơn 55 tác phẩm sơn dầu và gần 100 bức ký họa chiến trường. Các tranh được ông vẽ trong cả thời chiến lẫn thời bình, thể hiện chất thơ, góc nhìn đa chiều về cuộc sống, sinh hoạt của người chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đề tài kháng chiến trở thành một dấu ấn trong nghiệp hội họa của Trang Phượng, gắn liền với tuổi thanh xuân đến khi đã về già. Hiện nay, khi đã nghỉ hưu nhiều năm, ông vẫn không ngừng theo đuổi mảng này.
Chia sẻ với VietNamNet, họa sĩ Trang Phượng nói mỗi tác phẩm là một lời tri ân ông dành tặng những người bạn, đồng đội, đồng chí đã hy sinh. Mặt khác, ông gửi gắm vào đó sự lạc quan, khát vọng vào một nền hòa bình dân tộc.
“Họa sĩ vẽ tranh cách mạng như chúng tôi không nhiều, chỉ còn sót lại vài ba người. Có đồng nghiệp lớn tuổi, đã mất hoặc người trẻ không đủ tư liệu để theo đuổi mảng đề tài này. Tôi tạm xem mình là nhân chứng lịch sử, cố gắng vẽ được ngày nào hay ngày đó để còn có cái để lại cho thế hệ sau”, ông chia sẻ.
Không gian buổi triển lãm.
Mỗi tác phẩm của Trang Phượng đều gắn liền với một địa danh, một thời điểm lịch sử cụ thể của quân và dân miền Nam nơi ông trực tiếp chiến đấu. Nổi bật trong đó có các tranh như: Quân giải phóng về làng, Qua sông, Củ Chi đất thép, Mở đường Hồ Chí Minh, Trên mặt trận Thuận Lợi…
Ở tuổi ngoài 80, Trang Phượng gặp nhiều khó khăn do yếu tố sức khỏe, trí nhớ. Dẫu vậy, họa sĩ cố gắng giữ đầu óc minh mẫn, đặt tình cảm và ngọn lửa sôi sục thời trai trẻ để thôi thúc mình hoàn thành tác phẩm. Đôi lúc, ông bày trước mặt những bức ký họa để hồi tưởng về một thời bom lửa khói đạn, tạo cảm hứng sáng tác.
Khán giả thưởng lãm tranh ký họa được họa sĩ vẽ trong thời chiến.
Phát biểu khai mạc trong buổi triển lãm, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM bày tỏ trân trọng sự đóng góp của họa sĩ Trang Phượng đối với nền mỹ thuật nước nhà. Ông ấn tượng với bút pháp giản dị nhưng mạnh mẽ đưa đến sự chân thực, có hồn cho người xem trong mỗi tác phẩm.
“Phong cách dung dị, lãng mạn trong thời chiến của họa sĩ nhưng ẩn sâu trong đó là ước vọng về hòa bình. Góc nhìn mới về chiến tranh, qua con mắt của người chiến sĩ và họa sĩ đã được truyền tải một cách trọn vẹn”, ông nói.
Họa sĩ - Tiến sĩ Trang Phượng sinh năm 1939 tại Bình Dương. Ông tốt nghiệp thủ khoa trường trung cấp Mỹ Nghệ thực hành Bình Dương năm 1959. Năm 1973, ông tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật Hà Nội năm 1973, bảo vệ luận án Tiến sĩ mỹ thuật thuộc Viện hàn lâm Mỹ thuật Bulgaria năm 1979. Ông từng giữ chức Viện trưởng Mỹ thuật Việt Nam, Phó Tổng thư ký Hội Mỹ thuật TP.HCM, Phó trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Thành ủy TP.HCM, Phó chủ tịch liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật TP.HCM... Đầu năm 2020, ông lần đầu phát hành sách mỹ thuật Họa sĩ chiến sĩ Trang Phượng ghi dấu chặng đường hoạt động nghệ thuật của mình.
Một số tranh trưng bày trong triển lãm