Nokia chính thức công bố dòng điện thoại Nseries vào đầu năm 2005. Nếu như Nokia có Eseries với bàn phím QWERTY và những ứng dụng phục vụ cho công việc, thì Nseries lại trái ngược hoàn toàn và được sinh ra dành cho mục đích giải trí. N70, N90 và N91 là ba thiết bị Nseries đầu tiên được Nokia công bố vào thời điểm đó.
Những chiếc máy này sau đó đã gây được ấn tượng mạnh với người dùng, chủ yếu là nhờ thiết kế. N90 tập trung vào khả năng chụp ảnh, sở hữu thiết kế gập vỏ sò nhưng camera lại nằm ở phần bản lề, và camera và màn hình của nó đều có thể xoay theo ý người dùng. N91 lại tập trung về mảng nghe nhạc hơn, khi phím điều khiển nhạc thay thế cho phím T9 truyền thống, và người dùng sẽ trượt xuống thì phím T9 mới lộ ra.
Thời gian thấm thoát qua đi, Nokia tiếp tục ra mắt hàng loạt thiết bị Nseries. Rất nhiều trong số đó để lại ấn tượng trong người dùng và vẫn còn được nhớ đến ngày nay như N79, N86, N93, N95, N96. Đây cũng là những biểu tượng đánh dấu cho một thời kỳ huy hoàng của Nokia.
Tuy nhiên, ngày hôm nay chúng ta sẽ không hồi tưởng lại những "tháng năm rực rỡ" đó, mà lại là thời kỳ "đen tối" nhất của Nokia. Đó là năm 2011, đi kèm với chiếc Nokia N9. Đến đây, nhiều người sẽ tự hỏi rằng: kỷ niệm buồn thì chẳng ai muốn nhớ lại, tại sao lại hoài niệm về N9 làm gì? Đơn giản là vì N9 là chiếc máy N-series cuối cùng mà Nokia sản xuất, chứa đựng nhiều công nghệ của tương lai mà ngày nay iPhone X cũng còn phải học tập, và ngoài ra còn là một câu chuyện khiến cho nó trở nên thật sự đặc biệt.
N9 là trùm cuối Nseries, là chiếc smartphone đầu tiên chạy Meego, và cũng là chiếc smartphone cuối cùng chạy Meego
Nokia N9 chạy trên hệ điều hành Meego. Meego là sự kết hợp giữa Maemo (do Nokia phát triển) và Moblin (do Intel phát triển) và dựa trên nền tảng của Linux - tương tự như Android ngày nay.
Những phiên bản đầu tiên của Maemo thực chất đã xuất hiện từ 2005, tuy nhiên không phải trên những chiếc điện thoại mà là trên những chiếc "internet tablet" của Nokia. Mặc dù Maemo được đánh giá là rất tiên tiến, nhưng một trong những lý do Nokia không sử dụng nó trên điện thoại thực chất lại là kết quả từ một cuộc chiến nội bộ ngay trong công ty.
Thời điểm ấy, những con người phụ trách mảng phần mềm Symbian, cũng là những con người có tiếng nói và quyền lực trong Nokia, đã quyết định cắt tính năng điện thoại trên các sản phẩm chạy Maemo, cũng là tính năng quan trọng nhất và biến chúng trở thành một chiếc tablet mà chẳng ai muốn mua.
Bằng quyết định đó, đội ngũ phát triển Symbian đã có thể "giữ ghế" của mình lâu hơn một chút tại Nokia. Nhưng, chính suy nghĩ thiển cận này đã khiến cho Nokia không đủ sức chống chọi trước một cơn bão đang ập đến: iPhone.
Sau nhiều sản phẩm chạy Symbian S60 5th và Symbian^3 như 5800 XpressMusic, N97 hay N8, Nokia bắt đầu thấy tiềm năng của Symbian là không còn. Đến năm 2010, Nokia mới chính thức hợp tác với Intel để gộp Maemo và Moblin thành Meego, mong muốn đây trở thành hệ điều hành của Nokia trong tương lai.
Tưởng chừng đây là lúc Meego bắt đầu được cất cánh, nhưng không. Chỉ một năm sau đó, Nokia chính thức công bố thỏa thuận hợp tác với Microsoft để sử dụng Windows Phone cho các sản phẩm sau này và chính thức từ bỏ Meego. Đóng góp một phần không nhỏ trong quyết định này của Nokia đến từ CEO của hãng thời đó là Stephen Elop, cũng là cựu nhân viên Microsoft.
Mặc dù đoạn tuyệt với Meego, tuy nhiên Nokia N9 vẫn được ra mắt vào tháng 6/2011 và bán ra vào cuối năm đó. Đây sẽ là thiết bị đầu tiên và cũng là cuối cùng chạy trên nền tảng Meego. Lúc này, người dùng lâm vào một tình thế rất khó xử: Nokia N9 vào thời điểm ấy là chiếc máy tốt nhất của Nokia, nhưng chẳng mấy ai dám bỏ tiền mua vì họ biết rằng nó đã bị bỏ rơi.
Ra mắt từ 2011, nhưng Nokia N9 vẫn sở hữu nhiều yếu tố tương lai mà smartphone ngày nay cũng phải học tập
N9 ra mắt vào thời điểm mà smartphone màn hình cảm ứng đã trở thành xu thế, vậy nên Nokia cũng không còn có thể sử dụng những thiết kế "điên" như gập, trượt, xoay lật như các dòng máy Nseries trước nữa. Thế nhưng, N9 không hề tầm thường. Mặc dù cũng chỉ là một smartphone cảm ứng như bao chiếc máy khác, tuy nhiên N9 lại có những nét rất riêng và không ít trong số đó đã được các nhà sản xuất khác học tập và mang lên dòng sản phẩm của mình.
Nếu như thời ấy, những chiếc máy Android, Windows Phone hay thậm chí là cả iPhone đều yêu cầu phải có phím bấm vật lý để có thể vận hành, thì thao tác của Nokia N9 lại hoàn toàn thông qua cử chỉ. Người dùng sẽ hất lên để về màn hình chính và hất nhẹ hơn để truy cập nhanh các ứng dụng Điện thoại, Tin nhắn, Camera và Trình duyệt web. Meego là một trong những hệ điều hành đầu tiên hoạt động hoàn toàn bằng thao tác cử chỉ, và đó rõ ràng đã trở thành xu thế của smartphone ngày nay.
Nokia N9 sở hữu màn hình 3.9 inch, độ phân giải 480 x 854. Điểm đáng chú ý của màn hình này là việc nó sử dụng công nghệ OLED. Thời nay, chúng ta có thể thấy rất nhiều smartphone cao cấp sử dụng công nghệ này, nhưng ở thời của N9 thì đó quả là một điều hiếm hoi.
Công nghệ OLED không chỉ mang đến những ưu điểm về màu sắc hay độ tương phản, mà nó còn giúp cho N9 sở hữu tính năng Always-on Display (màn hình luôn bật). Chúng ta đã được thấy AOD trên nhiều mẫu máy của Samsung, tuy nhiên thực tế thì tính năng này đã được Nokia triển khai trên sản phẩm của mình từ nhiều năm trước. Ở màn hình này, người dùng có thể chạm hai lần (double tap) để mở khóa. Đây cũng là một tính năng mà không ít nhà sản xuất khác đã phải học tập.
Yểu mệnh, nhưng là một phần của lịch sử
Nokia N9 thật sự là một chiếc điện thoại "xấu số", khi nó chết ngay sau thời điểm chào đời. Nhiều người cho rằng nếu Meego được Nokia chọn thay vì Windows Phone, rất có thể Nokia sẽ không lâm vào tình cảnh bi đát đến nỗi "bán mình" trong những năm sau đó. Tuy nhiên, xét một cách thực tế, thời điểm mà Meego trình làng (2011) đã là quá muộn màng. iOS và Android đều đã quá mạnh và không còn chừa chỗ cho một cái tên thứ ba.
Dẫu thất bại, nhưng Nokia N9 vẫn là một chiếc máy rất đặc biệt. Nó là một chiếc điện thoại mang đầy tính tương lai, là cái kết cho dòng Nseries huyền thoại và cũng cho thấy những nỗ lực cuối cùng của Nokia, một Nokia thật sự đến từ Phần Lan, trước khi bị "đồng hóa" bởi Stephen Elop và Windows Phone.
Theo GenK