Hàng loạt khó khăn gặp phải khi nộp hồ sơ xin cấp vốn tín dụng xanh vừa được bà Diệp Thị Kim Hoàn, Giám đốc Phát triển bền vững, Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C phản ánh tại Diễn đàn “Hiện thực hóa chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Thúc đẩy dòng vốn xanh” diễn ra sáng 10/9 tại Hà Nội.
Theo bà Hoàn, khó tiếp cận thông tin về các tổ chức tín dụng xanh chỉ là bề nổi của “tảng băng”, còn phần chìm là những vướng mắc khi đi nộp hồ sơ xin cấp vốn xanh.
“Được hướng dẫn đến một tổ chức để nộp hồ sơ xin vốn ưu đãi cho dự án điện mặt trời áp mái với mức thuế suất chỉ khoảng 3%, chúng tôi hoan hỉ tìm gặp. Nhưng khi đến nơi mới biết, ngoài thuế suất ưu đãi 3% đó, chúng tôi còn phải trả phí bảo lãnh ngân hàng khoảng 3%, phí xử lý hồ sơ khoảng 30.000-50.000 USD cho 1 bộ hồ sơ... Cộng tất cả các loại phí, chi phí bỏ ra thậm chí còn cao hơn cả vay ngân hàng thương mại”, bà Hoàn kể.
Khó khăn khác đối với các doanh nghiệp như DEEP C là tiêu chí về dự án xanh chưa cụ thể, rõ ràng. Mỗi tổ chức tín dụng đưa ra một tiêu chí đánh giá về “xanh” khác nhau.
“Rất mong có khung pháp lý với các tiêu chí đánh giá dự án xanh một cách cụ thể, rõ ràng hơn để chúng tôi biết dự án của mình có được coi là dự án xanh và có thể xin cấp vốn không”, nữ giám đốc đề xuất.
Bên cạnh đó, bà Hoàn chỉ ra bất cập khác: Một số quỹ không chấp nhận thế chấp bằng tài sản đảm bảo mà yêu cầu doanh nghiệp phải có chứng chỉ bảo lãnh của ngân hàng. Doanh nghiệp phải đi xin ngân hàng cấp chứng chỉ và phải trả phí bảo lãnh. Nếu vay các tổ chức nước ngoài thì phát sinh rủi ro lớn về chênh lệch tỷ giá khi các ngân hàng nước ngoài không có dịch vụ bảo đảm về chênh lệch tỷ giá, có thể ảnh hưởng rất lớn đến dòng tiền cũng như nguồn vốn của công ty.
Do đó, doanh nghiệp của bà đang “tiến thoái lưỡng nan” trong việc có mở rộng quy mô dự án.
“Trước kia, phía WB (Ngân hàng Thế giới) nói sẵn sàng hỗ trợ dự án khu công nghiệp sinh thái. Nhưng khi chúng tôi cầm hồ sơ chính thức trình bày, họ lại nói dự án dưới 30 triệu USD thì không cấp vốn được. Chúng tôi đành ngậm ngùi mang hồ sơ về, bởi muốn làm dự án trên 30 triệu USD thì phải tăng quy mô dự án.
Trong khi đó, chúng tôi nộp hồ sơ đăng ký dự án điện mặt trời áp mái hơn 100MW thì phía UBND TP Hải Phòng nói không được vì quota của cả thành phố chỉ được hơn 100MW, phải chia cho các khu công nghiệp”, bà Hoàn cho hay.
Ngoài ra, vị giám đốc này cũng lưu ý: Các tổ chức tín dụng chỉ muốn cho vay ngắn hạn để tránh rủi ro. Thế nhưng, đối với các dự án xanh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần thời gian hoàn vốn rất dài. Vay ngắn hạn với các dự án phát triển xanh sẽ là gánh nặng cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi mong có những quỹ đầu tư xanh chuyên nghiệp hỗ trợ tài chính cho các dự án nhỏ và vừa, ví dụ quỹ riêng cho năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, quản lý chất thải... Mỗi quỹ có tiêu chí, hướng dẫn cụ thể cho các dự án để chúng tôi dễ tiếp cận hơn”, bà Hoàn khuyến nghị.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, bày tỏ quan ngại: “Cho đến nay, cả về tốc độ, quy mô và những vấn đề pháp lý đối với tài chính xanh ở Việt Nam vẫn còn là một khoảng cách, không chỉ so với nhiều nước tiên tiến trên thế giới mà ngay cả với nhiều nước ASEAN. Đây là thách thức rất lớn đối với Việt Nam”.