Mộc bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới đầu tiên tại Việt Nam được UNESCO ghi danh ngày 31/7/2009. Mộc bản Triều Nguyễn là khối di sản quý, có giá trị trên nhiều phương diện như lịch sử, địa lý, chính trị - xã hội, quân sự, pháp chế, giáo dục, văn hóa thời kỳ cận đại, ghi chép về việc giao thương kinh tế, văn hóa giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Ngoài giá trị về mặt sử liệu, tài liệu, mộc bản còn có giá trị về nghệ thuật chế tác, thể hiện sự phát triển nghề khắc in bản gỗ của nền văn minh, văn hóa nhân loại.
Trung tâm lưu trữ Quốc gia IV (Đà Lạt, Lâm Đồng) phối hợp với Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước vừa tổ chức lễ công bố hoàn thành dự án Bảo tồn Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới.
Dự án Bảo tồn khẩn cấp Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới do Quỹ Bảo tồn Văn hóa của Đại sứ quán Hoa Kỳ tài trợ, tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng, nhằm bảo tồn 500 tấm Mộc bản triều Nguyễn bị xuống cấp trong tổng số 34.555 tấm đang lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV.
Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước cho rằng thành công lớn nhất của dự án là vừa bảo tồn, trùng tu, vừa góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, người dân trong việc gìn giữ di sản; giúp rèn luyện kỹ năng bảo quản mộc bản cho các cán bộ phụ trách lưu giữ Mộc bản triều Nguyễn tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Evans Knapper khẳng định: "Mộc bản triều Nguyễn là loại hình tài liệu đặc biệt về hình thức, nội dung, phương thức chế tác, nguồn tài liệu tin cậy, quý giá phục vụ cho việc học và nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Tôi kỳ vọng dự án này sẽ giúp mộc bản được duy trì trong nhiều năm tiếp theo".
Triển lãm tái hiện lại bức tranh về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt từ xa xưa thông qua những lần đặt, đổi quốc hiệu và kinh đô đất nước.