Hoàng hậu Bỉ Mathilde đang có chuyến thăm Việt Nam (9-11/5) trên cương vị Chủ tịch danh dự UNICEF Bỉ. Bà đã có hàng loạt hoạt động trong 3 ngày ở đất nước hình chữ S như: tiếp xúc lãnh đạo cấp cao, thăm trẻ em, học sinh miền núi.
Hoàng hậu Bỉ Mathilde đã đến thăm và làm việc tại Trường Mầm non Hàm Rồng và Trường Tiểu học Hàm Rồng, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Trường Hàm Rồng có hơn 400 học sinh, đa số là dân tộc H’Mông, Dao.
Tại đây, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã hỗ trợ trường trang bị cho trẻ em dân tộc thiểu số các kỹ năng số và kỹ năng chuyển đổi, cũng như thúc đẩy một nền giáo dục hòa nhập cho mọi trẻ em.
Tại Việt Nam, chỉ 36% những người trẻ trong độ tuổi 15 đến 24 được trang bị các kỹ năng số. Theo thống kê năm 2021, 93% giáo viên vùng sâu, vùng xa chưa từng dùng các thiết bị công nghệ hiện đại để phục vụ cho việc dạy học.
Rào cản về ngôn ngữ cũng đem lại nhiều khó khăn cho các em. Hoàng hậu Mathilde tham dự lớp học tại Trường Tiểu học Hàm Rồng, nơi đang giảng dạy chương trình giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ, nhằm đảm bảo các em được tiếp cận một nền giáo dục hoà nhập và bình đẳng.
Trước chuyến thăm này, Hoàng hậu Bỉ đã có cuộc gặp với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Hoàng hậu Mathilde chia sẻ cảm xúc vui mừng với chuyến đi Lào Cai để có dịp chứng kiến kết quả nổi bật của các cơ sở chăm sóc trẻ em, thành tựu của Việt Nam trong tiến trình phát triển bền vững. Đồng thời tìm hiểu những khó khăn của Việt Nam trong lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe trẻ em, nhất là những vấn đề về giáo dục, dinh dưỡng và sức khỏe tinh thần.
Trong chuyến đi, bà cũng tìm hiểu về kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy và học; thăm câu lạc bộ dinh dưỡng của các bà mẹ và giao lưu với học sinh, thiếu niên Việt Nam về việc chăm sóc sức khỏe tinh thần, bởi đây là một vấn đề lớn đang được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn hiện nay.
Thông tin thêm với Hoàng hậu Mathilde, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu rõ, Việt Nam có xuất phát điểm là nước nông nghiệp, trải qua các cuộc chiến tranh với nhiều thiệt hại, mất mát to lớn. Nhưng với quan điểm luôn coi trẻ em là tương lai của đất nước, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam quan tâm với tinh thần dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em.
Việt Nam không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật, ban hành và thực hiện nhiều chính sách, chương trình liên quan đến trẻ em như các chương trình giảm nghèo, phát triển nông thôn mới, phát triển giáo dục, y tế, chăm sóc xã hội... Công tác chăm sóc trẻ em được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Chủ tịch nước cũng cho biết, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc trẻ em tại Việt Nam còn gặp một số thách thức như khoảng cách phát triển giữa các vùng miền ngày càng lớn, vẫn có sự chênh lệch về sức khỏe và dinh dưỡng giữa các địa bàn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.
Đánh giá cao những khuyến nghị của Hoàng hậu, Chủ tịch nước mong muốn UNICEF Bỉ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em; tiếp tục dành nguồn lực hỗ trợ Việt Nam, nhất là ở các lĩnh vực giáo dục, y tế.
Còn trong cuộc gặp với Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, Hoàng hậu Mathilde cho biết, chuyến thăm này đã được lên lịch từ lâu nhưng vì lý do đại dịch Covid-19 nên đã phải hoãn lại tới thời điểm này.
Một trong những vấn đề được Hoàng hậu Mathilde quan tâm và nhấn mạnh trong cuộc gặp với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn là vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em, học sinh. Hoàng hậu đánh giá cao việc Việt Nam đã đưa vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần của học sinh vào chương trình giáo dục.
Với vai trò Chủ tịch danh dự UNICEF Bỉ, Hoàng hậu luôn mong sử dụng ảnh hưởng của mình để giúp cho tiếng nói của người yếu thế được lắng nghe, thúc đẩy đầu tư cho trẻ em, cho giáo dục mầm non, chất lượng cho trẻ em”.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cảm ơn sự quan tâm của Hoàng hậu Mathilde với trẻ em, đặc biệt là trẻ em vùng khó khăn, việc chăm sóc sức khỏe tâm thần của trẻ em. Bộ trưởng chia sẻ, Việt Nam đang trên con đường phát triển, khó khăn của trẻ em còn rất nhiều.
Ông đánh giá cao những hỗ trợ, chia sẻ của UNICEF trong đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục, nhất là với nhóm học sinh cần hỗ trợ.