Sinh năm 1988, chị Bùi Thị Hà lớn lên trong một gia đình thuần nông ở vùng quê nghèo thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, năm 15 tuổi - vừa học xong lớp 9, Hà quyết định vào TP.HCM lập nghiệp với hi vọng kiếm tiền phụ giúp bố mẹ nuôi 2 em ăn học.
Cùng với người dì ruột, Hà thuê nhà trọ ở TP rồi đi bán hàng thuê. Sau 3 năm, dì về quê lập gia đình, Hà ở lại bán hàng thêm gần 4 năm nữa.
Lúc này, kinh tế gia đình ở quê đã tạm ổn, các em cũng học gần xong, Hà mới bắt đầu nghĩ tới một tương lai ổn định hơn cho bản thân.
22 tuổi, Hà nộp hồ sơ đi học tiếp cấp 3 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Quận 3. Năm ấy, rất may mắn là trường ưu tiên cho những người vừa đi học vừa đi làm nên chị được học vào buổi tối. Ban ngày, Hà vẫn đi bán hàng quần áo với mức lương 900 nghìn đồng/tháng. Trong khi đó, tiền thuê phòng trọ đã 500 nghìn đồng, chưa kể tiền sách vở học hành. Nghĩ tới cảnh khó khăn trước mắt, Hà quyết định phải làm gì đó để kiếm tiền đi học.
Bỏ công việc bán hàng, năm 2010, Hà chọn nghề bán xôi khúc sáng. Bước ra khỏi cửa hàng với số tiền 900 nghìn tiền lương, cộng với 1,6 triệu đồng tiền tiết kiệm, chị phải đi vay thêm để có 3 triệu đồng lập nghiệp từ nghề bán xôi.
Sáu giờ sáng, chị chở chiếc thùng xốp đựng xôi ra vỉa hè cách chỗ trọ 3km ngồi bán. “Ngày đầu tiên, tôi lãi 100 nghìn, mừng rơi nước mắt. Nhẩm tính trong đầu 1 tháng sẽ có 3 triệu, thế là hơn đi bán hàng rồi”.
Càng làm càng thấy ham, từ một người không có kinh nghiệm nấu xôi, Hà mày mò học hỏi, nghe mọi người góp ý, chỉ dạy, dần dần chất lượng gói xôi của chị tăng dần lên và có nhiều khách quen. Thu nhập của Hà tăng dần lên 200-300 nghìn đồng/ngày.
Để có được thành quả nhỏ nhoi ấy, Hà phải dậy từ 1h sáng để chuẩn bị nguyên liệu. “Bởi vì ngày ấy chưa có nhiều vốn nên mọi thứ tối giản nhất có thể. Đồ nghề chỉ có vài cái nồi và chiếc thùng xốp, không có cả tủ lạnh để bảo quản thực phẩm được lâu” - Hà kể.
Cứ thế, 6h sáng bán xôi đến 10h, buổi chiều cô nghỉ ngơi, tối đi học về ngủ được vài tiếng lại dậy nấu xôi. Sau gần 1 năm bán xôi vỉa hè, Hà đã có nhiều khách quen và bắt đầu nghĩ đến chuyện bán sỉ.
Mối sỉ đầu tiên nhận của Hà 20 chiếc xôi khúc. Ngày đầu tiên, họ bán hết veo và hẹn hôm sau lấy 40 chiếc. Những ngày sau, họ tăng lên 100 chiếc/ngày. Mỗi chiếc, Hà lãi 2 nghìn đồng, vị chi 200 nghìn đồng/ngày từ một mối sỉ. Cứ thế người nọ giới thiệu người kia, cô giao được vài mối sỉ và vẫn duy trì việc bán lẻ ở vỉa hè.
Sau 2-3 năm từ ngày theo “nghiệp” bán xôi, Hà đạt mức thu nhập 800 nghìn đồng/ngày - một mức thu nhập đáng mơ ước của nhiều người lao động.
Vốn tăng lên, cô mạnh dạn thuê nguyên tầng 3 của một căn nhà để vừa ở vừa nấu nướng. Lúc này, trang thiết bị đã được đầu tư đầy đủ và hiện đại hơn nhưng vẫn chỉ có một mình cô nấu tới vài trăm chiếc xôi khúc mỗi ngày. Tất cả các khâu từ đi chợ, sơ chế, nấu nướng đều một tay Hà quán xuyến. “Phòng ở tầng 3 nên mỗi lần mua bao gạo 50kg là tôi phải chia thành 2 lần để vác lên lầu”.
Vất vả là thế nhưng Hà vẫn duy trì việc học ở trường cho đến khi cầm được tấm bằng tốt nghiệp phổ thông.
Sau khi cân nhắc giữa việc học tiếp đại học, cao đẳng hay gắn bó với nghề làm xôi, thấy mình vẫn ham kiếm tiền, chị quyết định gác lại ước mơ học hành.
“Lúc ấy, tôi quá bận và quá tải nên không thể vừa học vừa làm được nữa. Có những ngày, tôi làm thâu đêm, lại còn kiêm luôn cả giao hàng nên bị thiếu ngủ trầm trọng. Có hôm chạy xe, gió mát hiu hiu, mí mắt tôi như sụp xuống, có cảm giác mình như vừa thiếp đi 1 giây, mở mắt ra đã tông vào đuôi xe trước”.
Sợ quá, từ đó chị bắt đầu thuê người giao hàng, rồi lại thuê thêm người phụ nấu xôi.
Đến năm 2013-2014, chị nghỉ bán lẻ để tập trung vào giao sỉ. Cứ thế đến năm 2017, chị lập gia đình. Anh vốn có nghề mộc nhưng cũng nghỉ làm để phụ chị nấu xôi và giao hàng. Công việc của chị cứ thế ổn định cho đến năm 2018, chị mang bầu. Từ khi có bầu, chị bị nghén nên giao hết công việc cho một người bạn làm giúp để về quê tĩnh dưỡng.
Trong thời gian ở quê, chồng chị làm tiếp nghề mộc ở gần nhà. Chị rảnh rỗi nên lọ mọ học làm xôi hoa đậu qua các khoá học online với hi vọng sẽ có thêm sản phẩm mới để bán cùng xôi khúc.
Nhưng khi bắt tay vào làm, chị mới thấy nó không đơn giản như mình nghĩ. Nhiều lần chị phải ném đồ vào thùng rác và muốn bỏ cuộc. Nhưng rồi chị lại tự nhủ: “Chưa thoát nghèo mà mày đã muốn bỏ cuộc sao?”.
Nghĩ vậy nên chị lại kiên trì luyện tay nghề ngày đêm, đến nỗi quên ăn quên ngủ. Sau 2 tháng, chị đã làm ra thành phẩm là những bông hoa đậu đẹp lung linh như bây giờ.
Khác với xôi khúc - làm là để kiếm tiền, với xôi hoa đậu, càng làm chị càng thấy yêu, càng thấy mê mẩn với mỗi thành phẩm. “Vừa yêu thích lại vừa kiếm được tiền thì tội gì mình không theo” - chị chia sẻ.
Đến khi con được 8 tháng, chị vào lại TP.HCM để tiếp tục làm nghề. Nhưng lúc này chị chưa làm xôi hoa đậu ngay vì vẫn còn quá bận rộn với các đơn hàng xôi khúc. “Lúc ấy, gần như 2 vợ chồng làm quanh năm, chỉ được nghỉ 5 ngày Tết”.
Đến tận năm 2020, khi con đã đến tuổi đi mẫu giáo, chị mới bắt đầu làm và bán xôi hoa đậu. “Tôi bắt đầu chuyển việc làm xôi khúc cho chồng và 2 người phụ việc. Còn tôi tập trung vào làm xôi hoa đậu vì chỉ có mình mới làm được món này”.
Nắm bắt được thị hiếu khách hàng bây giờ thích vừa ngon vừa đẹp, chị mày mò phối màu sắc để cho ra những loại hoa khác nhau trang trí cho đĩa xôi. Những đĩa xôi hoa lạ mắt của chị ngày càng được ưa chuộng và mang lại nguồn thu tốt cho gia đình.
Bà chủ bếp xôi tâm sự, hiện tại mỗi tháng vợ chồng chị thu được 30-40 triệu đồng lợi nhuận từ xôi hoa đậu và 20-30 triệu đồng từ xôi khúc. “Mỗi tháng trung bình thu nhập của 2 vợ chồng sau khi trừ chi phí rơi vào khoảng 50-60 triệu đồng”.
“Xôi khúc làm nhiều nhưng lãi ít. Bù lại, nguồn thu của xôi khúc ổn định hơn. Trong khi xôi hoa đậu làm số lượng ít nhưng lãi nhiều bởi vì nó đòi hỏi công sức hơn và không phải ai cũng làm được”.
Chị Hà cũng tự tin “khoe”, hiện tại bếp xôi của gia đình có mối sỉ ở tất cả các quận của TP.HCM. Ngoài công việc nấu xôi bán, chị Hà hiện còn mở các lớp dạy làm xôi hoa đậu cho các chị em muốn học nghề hoặc học để bày biện trong gia đình.
Ước mơ thoát nghèo của chị đang dần trở thành hiện thực nhờ thúng xôi năm nào. “Dù có vất vả thêm nữa, tôi vẫn vui vì nguồn lợi nhuận từ xôi mang lại cho tôi rất nhiều thứ”.
Chia sẻ về bí quyết “thoát nghèo” của mình, chị nói, làm bất cứ công việc gì cũng cần phải quyết tâm và kiên trì. “Bạn phải đặt hết tâm huyết vào đó, phải yêu và hiểu thật kỹ thứ mà mình làm để cho ra những thành phẩm tốt nhất có thể”.
Nguyễn Thảo
Ảnh: NVCC