Liên quan đến việc Cục CSGT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo lực lượng chức năng nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe (GPLX) và đưa nội dung lái xe trên đường cao tốc vào chương trình đào tạo, Vụ trưởng Vụ trưởng Quản lý phương tiện người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) Lương Duyên Thống cho biết, sau khi Cục CSGT có đề xuất, Bộ trưởng GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ nghiên cứu tiếp thu, tuy nhiên phải tính đến điều kiện và mức độ an toàn.
Ông Thống chia sẻ, trong nội dung chương trình đào tạo, sát hạch GPLX hiện nay chỉ tập lái xe trên đường quốc lộ, tỉnh lộ, còn đường cao tốc có cấp kỹ thuật cao hơn nên không đưa vào chương trình đào tạo thực hành.
'Học lái trên đường cao tốc xe phải đi với tốc độ cao, các phương tiện phải đảm bảo khoảng cách an toàn. Trong khi người mới học kỹ năng điều khiển phương tiện chưa thuần thục nên nguy hiểm cho cả người học cũng như giáo viên và người tham gia giao thông', ông Thống nói.
Cũng theo Vụ Quản lý phương tiện người lái, ở nước ta hiện nay đường cao tốc mới phát triển, một số địa phương có đường cao tốc, nhưng nhiều địa phương chưa có km nào. Do vậy, việc đưa vào chương trình đào tạo phải đi lên đường cao tốc sẽ gây khó khăn cho học viên, đó là chưa kể việc học lái trên đường cao tốc mất phí cũng sẽ làm tăng phí cho người học.
Ông Thống thông tin thêm, hiện nay chương trình đào tạo đã có một chương về lái xe trên đường cao tốc. Trong đó có hướng dẫn người học đi trên cao tốc khi nhập làn phải đi thế nào, ra khỏi làn ra sao rất cụ thể.
Đặc biệt, từ 1/1/2022, chương trình đào tạo đã triển khai phần mềm mô phỏng tình huống giao thông trong đó có một số tình huống lái xe trên đường cao tốc.
Cụ thể, theo Nghị định 138/2018 và Thông tư 38/2019 của bộ GTVT, các cơ sở đào tạo cấp GPLX phải đầu tư cabin tập lái xe ô tô. Khi học trên cabin người học sẽ được trải nghiệm điều kiện địa hình, thời tiết khác nhau như lái xe trời mưa, ban đêm, đèo dốc, băng tuyết và cả đường cao tốc…
Đại diện Tổng cục Đường bộ cho biết, sát hạch đào tạo lái xe trên tình huống mô phỏng giao thông là nội dung bắt buộc. Thời gian qua Tổng cục đã phối hợp các cơ quan, doanh nghiệp công nghệ xây dựng 120 kịch bản mất an toàn giao thông xảy ra trong thực tế.
Các tình huống mô phỏng đưa vào chương trình được lấy từ các tình huống đã xảy ra trong thực tế để người học nghiên cứu nhận biết, phán đoán, từ đó đưa ra phương án xử lý đảm bảo lái xe an toàn.