Lan tỏa tình yêu dân ca quan họ trong trường học

Không chỉ là một loại hình nghệ thuật đậm chất trữ tình, thanh lịch, mang tính thẩm mỹ cao, quan họ còn được biết đến khi gắn liền với các phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội đặc sắc của người Kinh Bắc. Có lẽ vì thế không ít người vẫn nghĩ rằng, người hát quan họ thường là những nghệ nhân cao tuổi, được đào tạo bài bản. Thực tế, về với Bắc Ninh, có thể cảm nhận được gần như ai cũng có thể hát quan họ, thậm chí hát hay và truyền cảm, từ các em học sinh. 

{keywords}
 

Vốn yêu thích quan họ từ nhỏ, trước đây em Anh Thư (học sinh lớp 9, phường Hòa Long, TP. Bắc Ninh) thường tranh thủ học hát quan họ qua truyền hình, trong các lễ hội. Nhưng từ khi được học hát quan họ trong trường học, em đã thuộc được rất nhiều bài hát, hiểu được ca từ khó, có thể luyến láy lời dân ca vang, rền, nền, nảy như các liền anh, liền chị.

Cũng giống như Anh Thư, em Thu Hồng (học sinh lớp 8, phường Hòa Long, TP. Bắc Ninh) rất hứng thú khi được học dân ca quan họ trên lớp. Ngoài các giờ học này, về nhà, Hồng còn được tham gia những buổi sinh hoạt quan họ tại gia đình. “Bài dân ca quan họ lúc trầm, lúc bổng giúp em thư giãn sau mỗi giờ học. Không những thế, việc học hát và hát quan họ còn giúp em hiểu được đây là một di sản quê hương cần được gìn giữ, phát triển.” - Thu Hồng chia sẻ.

Được biết, để tạo điều kiện cho quan họ trường tồn và lan tỏa, thời gian qua, Bắc Ninh không chỉ quan tâm mở rộng các hình thức truyền dạy tại 31 làng quan họ gốc và các CLB quan họ thực hành, mà còn ban hành chế độ hỗ trợ, vinh danh các nghệ nhân quan họ, đầu tư xây dựng nhà chứa quan họ, đặc biệt là việc duy trì chương trình dạy hát dân ca quan họ Bắc Ninh cho học sinh các cấp, từ đó lan tỏa tình yêu quan họ trong trường học.

Tại trường THPT Lê Văn Thịnh (huyện Gia Bình, Bắc Ninh), nhà trường thường tổ chức dạy hát dân ca quan họ Bắc Ninh cho các em sau những giờ học căng thẳng. Để thu hút học sinh, nhà trường còn tổ chức nhiều cuộc thi hát quan họ nhằm động viên, khuyến khích các em hát hay.

Theo đại diện nhà trường, việc học hát quan họ không chỉ giúp các em học sinh hiểu và ý thức về giá trị của di sản quê hương, mà còn giúp các em hiểu thêm những nét đẹp truyền thống của văn hóa quan họ và con người Kinh Bắc xưa. Qua những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, trữ tình, các em còn được giáo dục thẩm mỹ, truyền thống văn hóa, phát triển nhân cách, niềm tự hào, tình yêu quê hương đất nước…

Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể theo cách đặc biệt

Tháng 9/2009, dân ca quan họ Bắc Ninh đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Suốt nhiều năm qua,tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều giải pháp bảo tồn loại hình nghệ thuật này. Một trong những giải pháp bền vững, thiết thực là đưa dân ca quan họ vào giảng dạy trong các trường học.

Từ năm 2011, ngành giáo dục Bắc Ninh đã phối hợp với ngành văn hóa tổ chức các buổi tập huấn cho hàng trăm thầy, cô giáo âm nhạc, lãnh đạo, chuyên viên các phòng GD&ĐT, cán bộ phụ trách công tác văn thể của các trường phổ thông về việc sử dụng tài liệu giảng dạy dân ca quan họ Bắc Ninh trong trường học.

Đặc biệt, tài liệu, chương trình giảng dạy đã được các cơ quan chuyên môn của tỉnh phối hợp biên soạn và được thẩm định về mặt khoa học âm nhạc cũng như khoa học sư phạm đưa nội dung giảng dạy vào từng cấp học phù hợp lứa tuổi. Về hình thức giảng dạy, bên cạnh việc kế thừa lối truyền dạy dân gian theo hình thức truyền khẩu, các thầy, cô giáo có kế hoạch, bài bản phù hợp với từng khối lớp, góp phần vào việc bảo tồn, phát triển dân ca quan họ toàn diện, hệ thống.

Theo đó, tất cả các trường, các cấp học từ mầm non đến THPT đều được truyền dạy với chương trình phù hợp. Đối với cấp học mầm non, các em được học 25 - 30 phút/tháng, các hoạt động gồm học hát quan họ thông qua đĩa CD, DVD, các hình ảnh trực quan, kết hợp với hoạt động tạo hình, cắt, xé trang phục quan họ... Ở bậc tiểu học, học sinh được học 16 tiết/năm học; bậc THCS học 17 tiết/năm học; bậc THPT học 12 tiết/năm học... 

{keywords}
 

Tính đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh có 603 CLB quan họ trường học, mỗi trường có ít nhất 1 CLB. Ngoài hoạt động giảng dạy trong nhà trường, tại các buổi sinh hoạt ngoại khóa tìm hiểu về dân ca quan họ, học sinh được giao lưu với các nghệ nhân, liền anh, liền chị quan họ, được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị như tìm hiều về văn hóa mời trầu, tục kết bạn, giới thiệu nguồn gốc sinh hoạt văn hóa quan họ, nghề chơi quan họ, trang phục quan họ, giải thích về tên làng quan họ, nghe hát quan họ…  

Theo đại diện Sở GD&ĐT Bắc Ninh, việc đưa di sản văn hóa dân ca quan họ vào giảng dạy trong các nhà trường được đông đảo giáo viên, học sinh đón nhận. Qua đó, giúp học sinh tìm hiểu, khám phá và nâng cao hiểu biết về các giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương; góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể...

Từ năm học 2020-2021, chương trình giảng dạy dân ca quan họ Bắc Ninh trong các trường phổ thông tỉnh Bắc Ninh được biên soạn lại nhằm đảm bảo phù hợp với tâm lý lứa tuổi và các quy định trong chương trình tổng thể môn âm nhạc, môn giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm ở cả 3 cấp học.

Có thể thấy, sau hơn 11 năm được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, dân ca quan họ Bắc Ninh vẫn đang thể hiện sức lan tỏa mạnh mẽ. Góp phần quan trọng trong khôi phục và bảo tồn, phát triển kho tàng của quan họ, Bắc Ninh vẫn đang có những cách làm đặc biệt, hiệu quả, phát huy giá trị của các CLB quan họ “măng non”, cùng cộng đồng gìn giữ, bồi đắp và thăng hoa di sản.

Đình Sơn